Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đầu tư phát triển bền vững người Đan Lai: Kỳ vọng ở một Tiểu dự án đặc biệt (Bài 1)

Thanh Hải - 17:05, 16/06/2024

LTS: Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: từ 2021-2025 (Gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã dành hẳn một Tiểu dự án hỗ trợ đầu tư cho đồng bào Đan Lai ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An). Mục tiêu đề ra là đầu tư phát triển bền vững tộc người này gắn với bảo vệ phát triển rừng, môi trường sinh thái. Nhưng đã gần hết giai đoạn 1: từ 2021-2025, dự án vẫn đang còn nhiều vướng mắc, nhất là các thủ tục chuyển đổi đất rừng và rừng, khiến cho nhiều mục tiêu bị “treo”.

Đường vào bản Búng và Cò Phạt (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) - vùng đất nằm trong lõi Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An
Đường vào bản Búng và Cò Phạt (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) - vùng đất nằm trong lõi Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An

Suốt hàng chục năm sống trong rừng thẳm, đối mặt với bao khó khăn, thiếu thốn, vất vả nên việc người Đan Lai được Chính phủ quyết định có riêng một dự án từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) để đầu tư hạ tầng cơ sở, hỗ trợ sinh kế, phát triển văn hóa, giáo dục… nhằm nâng cao mức sống, cải thiện giống nòi, mang lại sự kỳ vọng lớn lao cho người Đan Lai nơi rừng sâu núi thẳm này...

“Vùng trũng” nơi thượng nguồn khe Khặng…

Ở vùng lõi Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát có tộc người Đan Lai (thuộc dân tộc Thổ) định cư đã nhiều năm. Nếu không thể vượt quãng đường 20km bằng xe máy từ trung tâm xã Môn Sơn (Con Cuông), len qua những cung đường đất trơn trượt, thì cũng có thể ngồi thuyền máy để vào bản làng của người Đan Lai.

Người Đan Lai định cư ở hai bản Búng và Cò Phạt thuộc xã Môn Sơn (Con Cuông, Nghệ An) từ hàng trăm năm trước. Theo thống kê của huyện Con Cuông, bản Búng có 115 hộ và Cò Phạt 122 hộ với tổng hai bản gần 1.000 khẩu.

Nhìn lại kết quả triển khai chính sách dân tộc cho người Đan Lai, đến nay đường nội bản đã được đổ bê tông một số tuyến, tại trung tâm các bản đã có điểm trường, bệnh xá quân y, nhà nội trú giáo viên, nhà văn hóa… chắc chắn. Sóng điện thoại 3G và điện lưới thắp sáng đã phủ gần kín hai bản. 

Đặc biệt, với sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành, hai bản của tộc người Đan Lai đã có hơn 16ha lúa, hơn 6ha hoa màu, hơn 2,2ha cây lâu năm, chăn nuôi 6.522 con gia cầm, 706 trâu và bò, 477 con lợn. Người dân đã biết sản xuất lúa nước 2 vụ, sản xuất ngô 1 vụ, biết trồng cây ăn quả và rau quanh nhà sàn. 

Nhưng, lời ông La Văn Linh, Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt lại như một nốt trầm giữa rừng già: "Cuộc sống của người Đan Lai hãy còn rất khó khăn, vất vả. Bà con cần lắm sự chung tay, giúp đỡ của các cấp, các ngành để cuộc sống vơi bớt khó khăn".

Người Đan Lai đã biết sản xuất lúa nước hai vụ từ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành
Người Đan Lai đã biết sản xuất lúa nước hai vụ từ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành

Và trong suốt cuộc trò chuyện, ông Ngân Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn huyện Con Cuông cũng luôn nhắc lại rằng: Cuộc sống người Đan Lai dù đã có những đổi thay so với trước rất nhiều, nhờ sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành nhưng vẫn rất khó khăn, vất vả.

Dẫn chứng từ thông tin UBND xã Môn Sơn cung cấp, thì bản Cò Phạt có tỷ lệ hộ nghèo là 98,23%, hộ cận nghèo là 1,77%; bản Búng có 115 hộ dân thì 100% đều là hộ nghèo.

Những khó khăn tạo thành rào cản rất lớn cho sự phát triển của người Đan Lai đang hiển hiện ở hai bản Búng và Cò Phạt, là hai bản vẫn bị chia cắt bởi hệ thống sông, suối và đường giao thông, khiến việc thông thương giữa các bản, cụm bản và thế giới bên ngoài rất khó khăn. Người dân vẫn ở nhà sàn bằng tre nứa, không có đất sản xuất, không có đất ở do địa bàn sinh sống nằm trong vùng lõi VQG Pù Mát. Để sinh sống, nhiều người đã phát nương làm rẫy, trồng trọt, chăn nuôi và thu hái rau, quả từ rừng.

Kỳ vọng ở một dự án

Với mục tiêu đầu tư phát triển bền vững người Đan Lai, thực tế đã có nhiều dự án, chương trình của Trung ương, của tỉnh Nghệ An và UBND huyện Con Cuông và cả lực lượng Biên phòng cùng chung tay góp sức đầu tư cho đồng bào. Trong đó, có sự nỗ lực đưa người Đan Lai ra khỏi rừng bằng các dự án di dân tái định cư; những chính sách giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ lương thực, hỗ trợ sinh kế, hướng dẫn người dân trồng trọt, chăn nuôi…

Đặc biệt, những năm gần đây, là Chương trình MTQG 1719 đã dành hẳn tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù là các hộ gia đình người Đan Lai (dân tộc Thổ) sinh sống tại 2 bản Cò Phạt và bản Búng thuộc vùng lõi VQG Pù Mát (Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An).

Cụ thể hơn, các nội dung, hạng mục đầu tư phát triển bền vững người Đan Lai tại VQG Pù Mát gồm: đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu phục vụ phát triển cộng đồng; hỗ trợ xây dựng nhà ở, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi; hỗ trợ khai hoang cải tạo đất sản xuất, giống, vật tư sản xuất; hỗ trợ về giáo dục, văn hóa, y tế và chăm sóc sức khoẻ người dân; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tộc người Đan Lai.

Ông Lương Viết Tùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Con Cuông thông tin, thực hiện tiểu dự án 1, Dự án 9 Chương trình MTQG 1719, tại hai bản vùng lõi VQG Pù Mát đã được đầu tư nhiều hạng mục công trình, với tổng mức đầu tư hơn 53 tỷ đồng.

Nhiều tuyến đường tại hai bản Búng và Cò Phạt đang được đầu tư, xây dựng từ nguồn kinh phí chương trình MTQG 1719
Nhiều tuyến đường tại hai bản Búng và Cò Phạt đang được đầu tư, xây dựng từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG 1719

Theo đó, ngoài 3 công trình đã xây dựng hoàn thành, như kè chống sạt lở và bến đò cho khu vực dân cư, xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung, xây dựng công trình điện sinh hoạt cho cụm dân cư khe Lẻ và Co Kè thuộc bản Cò Phạt; thì còn có 3 công trình khác đang triển khai xây dựng gồm nâng cấp tuyến đường từ trung tâm xã Môn Sơn đi bản Khe Búng, xây dựng đường giao thông nội hai bản, xây dựng Trường tiểu học 2 Môn Sơn và Trường mầm non Môn Sơn (điểm bản Cò Phạt).

Tuy nhiên, để phát triển bền vững người Đan Lai thì cần phải triển khai đồng bộ các dự án để giải quyết những vấn đề cấp thiết dân sinh của đồng bào. Song trên thực tế, nhiều hạng mục đầu tư khác như cấp đất sản xuất, đất ở, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ sinh kế từ cung cấp cây con giống…; thậm chí, những công trình xây dựng cơ bản phát sinh trên nền đất mới, đều đang gặp những vướng mắc chưa thể thực hiện do thiếu cơ sở pháp lý, mấu chốt là do người dân chưa được cấp đất sản xuất, đất ở, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…Điều này đồng nghĩa với việc, chính sách chưa thực sự được hiện thực hóa trong cuộc sống và người Đan Lai lại tiếp tục phải chờ!?

Tin cùng chuyên mục
Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Việc xây dựng hồ sơ dự án Luật về lĩnh vực dân tộc là nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc. Bộ luật cũng tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các dân tộc và vùng DTTS và miền núi. Tại Hội thảo khoa học "Định hướng tên gọi, nội dung dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc" diễn ra sáng ngày 20/9, rất nhiều đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, khoa học, cơ sở đào tạo...trên các lĩnh vực tham gia tham luận