Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kỳ vọng từ một xã nghèo

N.Tâm - 10:08, 16/06/2020

Từng là “rốn nghèo” của huyện U Minh (Cà Mau), xã Khánh Thuận nay đã thay đổi rõ nét từ nguồn lực đầu tư của Chương trình 135. Thời gian tới, Đảng bộ và Nhân dân xã Khánh Thuận thêm nhiều kỳ vọng vươn lên mạnh mẽ hơn, khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng DTTS và miền núi được triển khai.

Nhiều mô hình sản xuất của đồng bào Khmer mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều mô hình sản xuất của đồng bào Khmer mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xã Khánh Thuận được tách ra từ xã Khánh Hòa (huyện U Minh) năm 2009. Là địa phương có đông đồng bào DTTS, phần lớn người dân không có đất sản xuất, điều kiện KT-XH khó khăn, lại không được thụ hưởng Chương trình 135 nên tỷ lệ hộ nghèo ở Khánh Thuận rất cao.

Sau khi rà soát và thẩm định lại các điều kiện đặc thù của xã, ngày 19/9/2013, Ủy ban Dân tộc đã công nhận Khánh Thuận là xã khu vực III vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2012 - 2015, theo Quyết định số 447/QĐ-UBDT. Từ đó, Khánh Thuận được thụ hưởng Chương trình 135, thực hiện lồng ghép các nguồn lực khác để vươn lên.

Theo ông Trần Công Mười, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận, nhờ được thụ hưởng Chương trình 135, xã đã từng bước hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hiện đã đạt được 14/19 tiêu chí. Đặc biệt, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.

“Đầu năm 2017, qua rà soát hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, toàn xã còn tới 923 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 28,73%; 79 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,46%. Đến cuối năm 2019, Khánh Thuận chỉ còn 7,45% hộ nghèo và phấn đấu đến cuối năm 2020 giảm còn 3,45%”, ông Mười cho biết.

Nguồn lực từ Chương trình 135 đã từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Trước đây, người dân của xã chủ yếu đi lại, giao thương bằng xuồng ba lá, do chưa có đường giao thông. Nhưng nay, các trục đường chính từ huyện đến xã, xã xuống ấp và ấp nối liền ấp cơ bản đã được kết nối, tạo hệ thống giao thông thông suốt, giúp Nhân dân đi lại dễ dàng hơn, tạo điều kiện kết nối giao thương và thúc đẩy phát triển KT-XH.

Ông Lê Hồng Thịnh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận, chia sẻ: “Sau gần 7 năm thụ hưởng Chương trình 135, bộ mặt của xã đã thay đổi hẳn. Nguồn vốn hỗ trợ sản xuất cũng đã giúp hộ nghèo đầu tư phát triển kinh tế, từ đó từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, do những yếu tố khách quan nên những kết quả đạt được hiện nay của xã Khánh Thuận mới chỉ là bước đầu. Khánh Thuận vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS còn cao. Toàn xã có 164 hộ DTTS, chỉ chiếm 5,58% dân số của xã, nhưng còn đến 33 hộ nghèo.

Ông Thịnh chia sẻ, kỳ vọng lớn nhất của Đảng bộ và Nhân dân Khánh Thuận là Nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ đối với vùng DTTS và vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường chính sách đặc thù hỗ trợ cho đồng bào DTTS. Trong đó, cũng cần xác định những cơ chế đặc thù riêng phù hợp với những yếu tố vùng miền; đồng thời có những ưu tiên đối với miền đất xa xôi, tận cùng Tổ quốc như xã Khánh Thuận.

“Chúng tôi rất kỳ vọng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 sớm được phê duyệt và triển khai thực hiện, để đồng bào được hưởng lợi”, ông Thịnh kỳ vọng.



Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.