Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kỹ thuật nuôi cá chẽm trong ao

Như Ý - 11:05, 08/12/2020

Cá chẽm hay còn gọi là cá vược, là một loài cá dữ điển hình rộng muối, thịt ngon và giá trị kinh tế cao. Gần đây cá chẽm đã được nuôi ngày càng rộng rãi bằng các hình thức nuôi lồng và nuôi trong ao đầm nước lợ ở Đồng bằng sông Cửu Long khu vực Sóc Trăng, Bạc Liêu,...Dưới đây là quy trình kỹ thuật nuôi cá chẽm trong ao mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con tham khảo.

Nuôi cá chẽm trong ao mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh TL
Nuôi cá chẽm trong ao mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh TL

1. Chuẩn bị ao đầm:

- Hình dáng ao nuôi không hạn chế, thông thường là hìmh chữ nhật. Một đầu có cống thoát nước và đầu kia lắp máy bơm để bơm nước. Diện tích ao khoảng 2.000- 5.000m2, độ sâu mực nước từ 1- 1,4m. Dễ thay nước.

- Sau khi xây dựng xong ao thì tiến hành vét đổ đi lớp bùn thối, cho nước vào tẩy rửa. Sau đó dùng vôi rải đều trong ao và bờ ao (7- 10 kg/m2). Tiến hành phơi nắng 3- 5ngày rồi tháo nước vào đạt 1,2m rồi gây màu nước ao nuôi.

- Kiểm tra độ mặn dao động từ 5- 30‰, điều chỉnh độ pH từ 7.5 - 8.5

2. Con giống:

- Cá giống nuôi được vớt tự nhiên hoặc cho đẻ nhân tạo. Cá giống có độ dài trung bình 2- 4cm và trọng lượng trung bình là 2- 3gam/con.

- Giống được chọn nuôi phải tương đối đồng đều kích cỡ, màu sắc tươi sáng, không xây sát, bơi thành từng đàn và nhanh nhẹn. Cá không bị nhiễm bệnh.

Sau khi chuẩn bị ao và giống thì ta tiến hành thả giống.
- Mật độ thả giống trung bình từ 1- 2 con/m2

- Nếu thả ghép cá rô phi bố mẹ thả mật độ 0.5- 1 con/m2, tỷ lệ đực : cái = 1 : 3, sau 1- 2 tháng thì tiến hành thả cá chẽm vào.

3. Quản lý và chăm sóc:

- Cá chẽm nuôi ao cho ăn 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều tối với lượng thức ăn bằng 10- 20% trọng lượng thân.

- Thức ăn cho cá gồm cá tạp, tôm nhỏ và thức ăn nhân tạo dạng hạt.

- Thường xuyên thay nước, mỗi lần thay 20- 30% lượng nước trong ao. Khi nhiệt độ ao lên 340C thì phải thay nước ngay, nếu không cá sẽ chết.

- Định kỳ 1 tháng kiểm tra sinh học để theo dõi tốc độ phát triển của cá, tỷ lệ sống, trọng lượng cá hiện có trong ao để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

- Trong quá trình nuôi thường xuyên theo dõi cá, kiểm tra mọi hoạt động bơi lội, tình trạng sức khỏe của cá, nếu phát hiện bệnh thì phải chữa trị ngay.

4. Phòng và trị một số bệnh thường gặp ở cá chẽm

Phòng bệnh: Để hạn chế sự phát sinh của mầm bệnh trong ao ta áp dụng các biện pháp tổng hợp sau: Giữ chất lượng môi trường nước tốt. Giảm bớt việc làm cá bị “sốc” môi trường như oxy hòa tan thấp, nhiệt độ quá cao hay quá thấp, sự tích tụ của các chất thải. Chọn cá giống khoẻ mạnh, kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng, không dị hình dị tật. Thường xuyên theo dõi, chăm sóc cá nuôi để chuẩn đoán tình trạng sức khoẻ cá. Mật độ thả nuôi vừa phải, không thả quá dày. Không cho cá ăn quá thừa cũng như quá thiếu. Thức ăn phải tươi, không có mầm bệnh (với thức ăn nguồn cá tạp). Ngăn ngừa địch hại và vệ sinh dụng cụ thường xuyên.

Trị bệnh: Trong quá nuôi cá chẽm thường mắc một số bệnh sau:

Bệnh do nguyên sinh động vật: Cá chẽm bơi lội bất thường như mất thăng bằng, da rướm máu hoặc xây xát, cá bỏ ăn, màu sắc không bình thường, ăn mòn mô, cá tiết ra nhiều nhớt, xuất huyết và thân bị trương lên hay mắt sưng phồng. Cách điều trị: Sử dụng Formol tạt xuống ao với liều lượng 20 - 25ml/m3.

Bệnh sán lá mang: Cá chẽm bị nhiễm sán lá mang cao thường tiết nhiều dịch nhầy đặc ở mang. Hô hấp khó khăn, khi nhiễm bệnh cao có thể chết rải rác tới hàng loạt. Cách điều trị: Tắm cá với dung dịch formol 150 - 200 ppm (150 - 200 ml formol/1 khối nước) trong 30 - 60 phút có sục khí mạnh, hoặc phun xuống ao với formol 25 - 30 ppm (25 - 30 ml formol/1 khối nước) trong 1 - 2 ngày. Dùng Hadaclean A (loại 5 %) tắm cho cá với liều lượng 5 - 10 ppm trong 10 - 20 phút.

Bệnh đỉa cá: Đỉa cá là loại ký sinh trùng hút máu làm cho cá chậm lớn hoặc bị chết. Đỉa cá thường ký sinh ở gốc vây, vẩy, hốc miệng và mũi cá. Đỉa phát triển mạnh ở ao có nhiều rong phát triển để đẻ trứng. Phòng trị: Quản lý rong, tảo đa bào dạng sợi trong ao. Tắm cho cá bằng nước muối 3 - 5‰ (hòa tan 300 - 500g muối trong 10 lít nước). Phun trực tiếp Formalin xuống ao với nồng độ 20 -25 ppm (20 - 25 ml formalin /1 khối nước).

5. Thu hoạch:
- Sau từ 6 - 7 tháng nuôi trọng lượng cá đạt khoảng 500- 800 gam/con thì tiến hành thu hoạch.

- Trong tháng 9 và 10 cá chẽm tăng trọng nhiều nhất.

- Căn cứ vào giá cả và nhu cầu thị trường để thu hoạch cá vào thời điểm thích hợp nhất.

- Sau khi thu hoạch tiến hành tiến hành tháo cạn nước vét bùn và cải tạo ao để chuẩn bị vụ nuôi tiếp theo./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.