Đại biểu Trần Văn Khải, Đoàn Hà Nam: Đại dịch Covid-19 đã và đang tiếp tục là một thách thức đặc biệt với dân tộc chúng ta và thế giới.
Để phục hồi ổn định phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, tôi xin đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa tới lực lượng công nhân lao động. Công nhân lao động bị sang chấn tinh thần là điều chưa từng xảy ra, sẽ để lại di chứng lâu dài, cần nhiều thời gian để khắc phục.
Trước đây, việc thu hút lao động từ nông thôn lên thành thị đã rất khó. Giờ lại xuất hiện tình trạng lực lượng lao động đang ở sẵn các thành phố, nhưng vẫn nhất quyết đi về quê, doanh nghiệp không thể giữ được lao động, kể cả khi Chính phủ đã mở cửa. Tôi cho rằng đây là thời điểm phải xem người lao động là động lực tăng trưởng, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là hỗ trợ động lực tăng trưởng của đất nước.
Bài học qua đại dịch Covid-19 cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống an sinh xã hội là bảo đảm an toàn cho người dân trong điều kiện biến động về kinh tế - xã hội. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp lâu dài về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản, nhằm tránh rủi ro và bảo đảm cơ hội công bằng cho toàn dân, nhất là hệ thống y tế ở cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trạm y tế và các công trình văn hóa, thể thao cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Chính phủ có thể phải cân nhắc đến bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống không bình thường. Mạnh dạn sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn Quảng Bình: Cần tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp
Tôi đề nghị Chính phủ cân nhắc hỗ trợ tài chính và đào tạo lại, bảo đảm sự tồn tại của doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch. Tạo cơ chế đối thoại, trao đổi thông tin hiệu quả giữa chính quyền và các doanh nghiệp, tổ chức xã hội để nhanh chóng đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn và tận dụng các cơ hội cho phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới. Cần có quy trình xử lý sự cố xảy ra liên quan đến dịch bệnh, đồng thời đánh giá mức độ an toàn, chuẩn hóa trong phạm vi toàn quốc và cần có sự kết nối với các nước để làm ấm lại thị trường du lịch.
Hai năm qua, lao động nước ta đối diện với tình trạng không có và thiếu việc làm trên diện rộng. Dự báo tình hình năm 2022 sẽ còn nhiều tiềm ẩn phức tạp và khó khăn. Theo tôi cần tập trung đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho người dân. Để duy trì nguồn cung lực lượng lao động an toàn, cần tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, lao động phi chính thức nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế.
Cần tập trung vào kết nối lại nhu cầu doanh nghiệp và người lao động. Bên cạnh đó, đẩy mạnh và tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động. Cần tăng nguồn vốn, giải quyết việc làm cho các ngân hàng, ưu tiên các ngành nghề giải quyết nhiều lao động để từ đó hỗ trợ kịp thời cho người lao động có ý định bám trụ tại quê nhà.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh, Đoàn Bắc Giang: Cần dành nhiều nguồn lực hơn nữa để đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng
Thực tiễn chống dịch ở cơ sở thời gian qua đã bộc lộ hạn chế của hệ thống y tế dự phòng vừa yếu về đội ngũ, lại thiếu trang thiết bị và nguồn lực triển khai nhiệm vụ. Chỉ xét riêng cho năng lực phòng, chống bệnh lây nhiễm trước đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, số trung tâm y tế dự phòng cấp tỉnh làm được xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 cũng rất hạn chế. Đến nay, phần lớn các trung tâm y tế tuyến huyện vẫn chưa có phòng xét nghiệm sinh học phân tử nên việc xét nghiệm đều dồn về tỉnh và thành phố làm chậm trễ công tác xác định ca bệnh, ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng, chống dịch, khi dịch ở mức độ bùng phát.
Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần dành nhiều nguồn lực hơn nữa để đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Đoàn Quảng Trị: Xã hội hóa công tác phòng, chống dịch là biện pháp quan trọng để huy động sức mạnh toàn dân
Bài học dân là gốc, sức mạnh ở Nhân dân chưa bao giờ xưa cũ và vô cùng sâu sắc trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, là phương châm hành động, kế sách bền vững, lâu dài.
Xã hội hóa công tác phòng, chống dịch là biện pháp quan trọng để huy động sức mạnh toàn dân cho cuộc chiến và phải được thực hiện một cách có tổ chức, được chỉ huy, điều hành thống nhất, chặt chẽ trong một hành lang pháp lý, cơ chế huy động, quản lý, kiểm soát rõ ràng, minh bạch và cần được tôn vinh xứng đáng, đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn những tiêu cực trong hoạt động thiện nguyện.
Tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời nhóm chính sách với các quy định mang tính quy phạm pháp luật, hướng dẫn thống nhất và cần sớm luật hóa các hoạt động xã hội hóa thiện nguyện cứu trợ xã hội. Phải có cơ chế, chính sách linh hoạt, tập trung đầu tư, nâng cao năng lực hoạt động cho y tế cơ sở cả với đội ngũ lẫn phương tiện, cơ sở vật chất đủ sức quản lý, kiểm soát, hướng dẫn giải quyết các vấn đề có tính chuyên môn ngay tại cơ sở. Phải xem việc đóng góp cho công tác phòng, chống dịch là quyền lợi và nghĩa vụ thường xuyên của mỗi tổ chức, cá nhân. Hay nói cách khác, xã hội hóa công tác phòng, chống dịch phải là giải pháp bền vững, lâu dài, cần được đặt đúng vị trí quan trọng của nó.
Việc thay đổi phương cách chống dịch hiện nay là hết sức đúng đắn và cần thiết. Thay vì tập trung cách ly, lập chốt, đóng khung lãnh địa cực đoan bằng giải pháp linh hoạt, kiểm soát, điều chỉnh cấp độ đổi màu tùy khu vực, phong tỏa hẹp, khoanh vùng, dập dịch nhanh, chỉ huy thống nhất gắn kết nối vùng và liên vùng. Tư duy mới là không lơ là chủ quan, nhưng phải thích ứng an toàn mới theo yêu cầu mở cửa cho doanh nghiệp và người dân được hoạt động kinh tế và sinh kế, có kịch bản trong phòng chống dịch linh hoạt, hay nói một cách khác, phòng, chống dịch là để bảo đảm phát triển kinh tế bền vững, phát triển kinh tế phải an toàn để có điều kiện phòng, chống dịch bệnh.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn TP. Hồ Chí Minh: Phải xem lại về thực trạng y tế cơ sở, hệ thống y tế cơ sở
Để thực sự sống chung với dịch, chủ động, linh hoạt trong việc khống chế tỷ lệ nhiễm; giảm được số ca gây nặng, số ca tử vong, chúng ta phải xem lại về thực trạng y tế cơ sở, hệ thống y tế cơ sở. Trong tất cả các khóa Quốc hội, chỉ có một chỉ tiêu dành 30% ngân sách cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Nhưng số địa phương thực hiện được điều này vẫn còn đếm trên đầu ngón tay.
Vì vậy, phải có phân bổ như thế nào để thực sự đáp ứng với quy mô dân cư, chứ không phải là chỉ trên vấn đề là phân chia về địa lý. Cần có một chính sách xuyên suốt một chủ trương, một quan điểm từ Chính phủ và chỉ đạo cho Bộ Y tế để có những chính sách hết sức cụ thể. Nếu như chúng ta không giải quyết được những vấn đề thuộc về căn cơ, thì chắc chắn là chúng ta sẽ tiếp tục bị động. Về vấn đề y tế cơ sở, tôi nghĩ không phải chỉ có vấn đề về tiền, mà nó còn vấn đề về nhân lực. Làm sao để thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao, có những hiểu biết đủ để hoạt động cho tốt.
Về hệ thống điều trị, đây là một phép thử để chúng ta nhìn lại năng lực điều trị thực sự của chúng ta như thế nào. Chúng ta chỉ tập trung vào phòng, chống dịch Covid-19 để cấp cứu là không đủ. Các bệnh viện từ khi thành các đơn vị sự nghiệp nhưng chưa được chuẩn bị những cơ sở về mặt pháp lý, về những kiến thức cần thiết để có thể bảo đảm cung ứng được trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, đặc biệt là cơ chế tài chính. Chúng ta cho rằng Covid-19 là Nhà nước, ngân sách lo, nhưng phân công giữa ngân sách và bảo hiểm chưa rõ ràng, nên các bệnh viện rất khó khăn trong việc thanh toán.
Bên cạnh đó, hệ thống y tế tư nhân chưa được huy động kịp thời, chưa có được những cơ chế để tham gia vào phòng, chống dịch cho đúng. Bởi vì, cái gì chúng ta cũng muốn là bao cấp, mà bao cấp thì lo theo giá Nhà nước, y tế tư nhân không thể tham gia được. Đồng thời, phải tạo điều kiện cho các nhân viên y tế, đặc biệt cho các cán bộ quản lý có cơ hội, có môi trường để phát triển về y đức, chứ không phải là sau đó, lúc xảy ra chuyện thì chúng ta sử dụng các biện pháp hành chính và các thủ tục tố tụng hình sự.