Tại phiên họp, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự án Luật này. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 460 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 93,12%). Với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Luật Đấu thầu (sửa đổi) gồm 10 Chương, 96 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. Luật này có nhiều điểm mới so với Luật hiện hành. Theo đó, về đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu, Luật đã bổ sung điểm a, khoản 2, Điều 2 về hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện, bao gồm: Các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Liên quan đến 9 nhóm hành vi bị bấm trong hoạt động đấu thầu tại Điều 16, Luật đã bổ sung thêm mục đích của hành vi trong quy định cấm hành vi thông thầu; bổ sung quy định cấm hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng. Luật đã bổ sung vào Điều 23, luật hóa một số trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đã được quy định tại Quyết định số 17/2019 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng hình thức chỉ định thầu...
Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Xây dựng và Bộ Luật dân sự năm 2015, thể hiện cụ thể tại các Điều: 65, 67, 70, 71, 72 của dự thảo Luật. Luật đã làm rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về đấu thầu tại Điều 84, bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo.
Để bảo đảm tính bao quát, Luật đã quy định mới về thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu tại Điều 86.
Luật Đấu thầu (sửa đổi) cũng quy định về trường hợp phát sinh tình huống chưa được quy định trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu (tại Điều 88); quy định về giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu (Điều 89).
5 nhóm chính sách nổi bật của Luật Đấu thầu (sửa đổi):
Một là, nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm xác định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu.
Hai là, nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
Ba là, nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu.
Bốn là, nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện chính sách đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh, mua sắm sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi nhóm lao động yếu thế nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Năm là, nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.
Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.