Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV: Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Hoàng Quý - 19:15, 21/06/2023

Ngày 21/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Sau Kỳ họp, dự án luật đã được tổ chức lấy ý kiến sâu rộng đối với mọi tầng lớp Nhân dân trong và ngoài nước. Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động nhiều hoạt động đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng việc lấy ý kiến Nhân dân, tích cực tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Tiếp tục thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhận định dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã được chỉnh lý, hoàn thiện rất công phu, nghiêm túc, tiếp thu tối đa ý kiến của Nhân dân, các cơ quan, tổ chức, chất lượng dự thảo Luật được nâng lên nhiều so với dự thảo Luật được trình tại Kỳ họp thứ 4.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh)
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh)

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) đề xuất mở rộng trách nhiệm của Nhà nước đối với đồng bào DTTS thuộc hộ nghèo, ở biên giới, hải đảo. Theo đại biểu, Điều 9 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định Nhà nước khuyến khích đầu tư vào sử dụng đất đai. Đại biểu cho biết, nội dung này ở Luật Đất đai 2013 có nội hàm rộng hơn, nên đề nghị giữ như Luật Đất đai 2013. Cụ thể, quy định Nhà nước đầu tư vào đất đai, Đại biểu phân tích, không chỉ có Nhà nước mới đầu tư vào đất đai và cũng không chỉ có khuyến khích đầu tư vào sử dụng đất. Vì đầu tư vào đất đai là quyền và nghĩa vụ của toàn dân. Bên cạnh đó, còn có đầu tư vào phát triển đất đai, quy hoạch đất đai, bảo vệ môi trường…

Đặc biệt, quy định tại Điều 17 về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS, Đại biểu đề nghị cần mở rộng với đối tượng đồng bào DTTS ở biên giới, hải đảo, tạo điều kiện cho đồng bào bám đất, bám biển; và đối tượng người DTTS thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh)
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh)

Quan tâm đến nội dung quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, lúa gạo là ngũ cốc cơ bản, là cây lương thực chính, cây trồng chủ đạo trong nền nông nghiệp Việt Nam. Đất trồng lúa là đất có cấu tạo, giá trị dinh dưỡng cao, phải trải qua hàng trăm năm mới hình thành. Mục tiêu đến năm 2030, nước ta vẫn tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, giữ ổn định diện tích đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Để thực hiện được mục tiêu giữ diện tích đất lúa, đất rừng, đại biểu cho rằng cần quản lý chặt chẽ việc quy hoạch diện tích đất trồng lúa, đất trồng rừng, được xác định cụ thể đến từng địa phương, tới cấp xã. Với nhu cầu phát triển đất nước, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sang mục đích phi nông nghiệp là tất yếu. Trước mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu, đại biểu đề nghị cần quy định việc điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm đếm, lượng hóa, hạch toán đầy đủ hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trong nền kinh tế.

Đại biểu cũng đề nghị quy định ngay trong luật các tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sang mục đích khác, là cơ sở quan trọng để các địa phương thực thi thống nhất trong phạm vi cả nước. Cụ thể, đại biểu đề nghị bổ sung một số tiêu chí như: Không được chuyển mục đích đất nông nghiệp sau khi đã được tích tụ, tập trung sang phi nông nghiệp, có báo cáo đánh giá tác động, tính khả thi của dự án, gắn trách nhiệm của chủ dự án với cộng đồng.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên)
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên)

Góp ý một số nội dung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đề nghị bổ sung thêm khái niệm “bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất” để bao gồm cả bồi thường cả quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Đồng thời, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị tách đất trồng lúa và trồng cây hằng năm vì đây là 2 nhóm khác nhau.

Về nhóm đất phi nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề cần bổ sung khái niệm phân loại đất đô thị, đất nông thôn để thuận tiện trong quản lý hành chính. Đại biểu cũng đề nghị quy định chính sách áp dụng cho vùng, miền núi cho phù hợp, đúng theo tinh thần kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, thay vì chỉ giới hạn trên địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, Đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo xem xét, có một mục riêng về đất đai cho vùng đồng bào DTTS do có nhiều yếu tố đặc thù.

Đại biểu Nàng Xô Vi (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum)
Đại biểu Nàng Xô Vi (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum)

Đóng góp vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nàng Xô Vi (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho rằng, dự án Luật cần quy định rõ về bảo đảm có đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, miền núi. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên, chính sách tài chính đối với hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS về đất đai. Trong đó, mở rộng đối tượng được cấp đất, sử dụng đất... Ngoài ra, đại biểu Nàng Xô Vi cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm đất cho người DTTS.

Nhằm thể chế hóa nội dung có chính sách phù hợp để ưu tiên giao đất cho đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất, chính sách tài chính về đất đai phù hợp với đối với hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS, đại biểu Nàng Xô Vi đề nghị sửa đổi khoản 1, khoản 2, Điều 17 dự thảo Luật đối với trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS. Việc sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng đồng bào DTTS ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được Nhà nước bảo đảm về đất ở, đất sản xuất, sinh hoạt cộng đồng, đất sản xuất phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.

Ngoài các chính sách hiện hành, đại biểu Nàng Xô Vi cho rằng, cần tạo thêm quỹ đất từ diện tích thực tế đang có của các địa phương và sử dụng đất để giải quyết nhu cầu sản xuất của các hộ gia đình đang thiếu đất sản xuất, trong đó tập trung vào quỹ đất nông nghiệp do xã, cộng đồng dân cư quản lý. Đặc biệt là diện tích do các nông, lâm trường quản đã bàn giao về cho địa phương quản lý, vì nếu Nhà nước không nâng mức hỗ trợ phù hợp thì khó thực hiện. Ví dụ như diện tích đất đã thu hồi từ các nông, lâm trường theo Nghị quyết số 112 của Quốc hội bàn giao về địa bàn địa phương quản lý và giao cho các hộ dân người DTTS thiếu đất sản xuất.

Đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk)
Đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk)

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, qua nghiên cứu dự thảo Luật và đối chiếu với Nghị quyết 18, Hiến pháp 2013 và yêu cầu thực tiễn cho thấy, dự thảo Luật vẫn còn một số vấn đề lớn. Cụ thể, quy định của dự thảo Luật chưa toàn diện, chưa thể chế hóa đầy đủ nội dung Nghị quyết 18 về đối tượng, trong khi Nghị quyết 18 đề ra mục tiêu giải quyết cơ bản tồn tại, vướng mắc liên quan đến đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nói chung. Tuy nhiên, dự thảo Luật chỉ tập trung giải quyết cho đồng bào DTTS thuộc địa bàn, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, như vậy là hẹp hơn so với Nghị quyết 18.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 18 yêu cầu cần có chính sách ưu đãi về thuế nhưng dự thảo luật chưa có quy định rõ nội dung này. Đại biểu cho rằng đất đai là một trong nội dung cơ bản quan trọng cần quyết định trong chính sách dân tộc. Vì vậy, việc dự thảo Luật để Thủ tướng Chính phủ quy định khung chính sách về hỗ trợ đất đai cho đồng bào DTTS là chưa hoàn toàn phù hợp. Theo đại biểu, vấn đề này phải thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Quốc hội.

Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang)
Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang)

Tham gia phát biểu ý kiến thảo luận tại phiên họp nhằm hoàn thiện dự án luật Đất đai (sửa đổi), Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) cho biết, việc sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều công ty nông lâm nghiệp không sản xuất, hoặc sản xuất kém hiệu quả, khiến đất đai bị lấn chiếm, lãng phí.

Đại biểu cho biết, đất nông lâm trường thường là những nơi có đồng bào DTTS sống xung quanh. Đồng bào có tập quán sống ở đâu thì sản xuất ở đó, tuy nhiên, hiện nay còn thiếu đất sản xuất. Dự thảo luật có quy định đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường sẽ bàn giao lại cho địa phương và ưu tiên giải quyết cho đồng bào DTTS.

Đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định vào Điều 79 dự thảo luật sửa đổi về nội dung thu hồi đất nông, lâm trường, kể cả đất đã giao, cho thuê nhưng các đơn vị không sản xuất, sử dụng đất không hiệu quả, không đúng mục đích, phải thu hồi đất có khả năng canh tác để giao cho đồng bào DTTS, hộ nghèo, cận nghèo sống ở khu vực có đất nông, lâm trường để canh tác, góp phần tạo sinh kế cho người dân.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét bổ sung đối tượng lực lượng y tế và giáo dục công tác tại khu vực có điều kiện xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo vào Điều 124, đồng thời bổ sung đối tượng này vào Điều 157 quy định miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho lực lượng viên chức y tế, giáo dục công tác tại các vùng này.

Quang cảnh phiên thảo luận
Quang cảnh phiên thảo luận

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu. Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, quá trình lấy ý kiến của Nhân dân, cơ quan soạn thảo đã tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý giải trình được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ĐBQH đánh giá là có bước tiến rất quan trọng về chất lượng của dự thảo Luật. Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 gồm 16 Chương, 263 Điều.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, rà soát quy định về tài chính đất, giá đất, đánh giá đầy đủ tác động nghiên cứu kỹ lưỡng chi phí đất đai là chi phí đầu vào quan trọng của nền kinh tế, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai và bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất, nhà đầu tư.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau một ngày thảo luận sôi nổi, tâm huyết trách nhiệm, đã có 56 đại biểu phát biểu, 6 đại biểu tranh luận, còn 106 đại biểu chưa phát biểu do hết thời gian, đề nghị các vị đại biểu gửi văn bản ý kiến qua Ban Thư ký Kỳ họp để tổng hợp. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giải trình làm rõ một số ý kiến của các vị ĐBQH nêu.

Quốc hội ghi nhận, biểu dương và trân trọng cảm ơn mọi tầng lớp Nhân dân trong và ngoài nước, các chuyên gia, các nhà khoa học đã quan tâm trách nhiệm đầu tư thời gian, công sức góp nhiều ý kiến quan trọng cho dự án Luật Đất đai; đồng thời mong muốn Nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học tiếp tục tham gia ý kiến để hoàn thiện dự án luật bảo đảm chất lượng, khả thi của luật khi có hiệu lực thi hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, ý kiến của các vị ĐBQH đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, hoàn thiện, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Tin cùng chuyên mục
Gia Lai: Bồi dưỡng chuyên môn truyền dạy văn hoá phi vật thể cho các nghệ nhân Gia Rai

Gia Lai: Bồi dưỡng chuyên môn truyền dạy văn hoá phi vật thể cho các nghệ nhân Gia Rai

Trong 2 ngày (19 và 20/11), tại huyện Ia Grai (Gia Lai), Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức Lớp “Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ truyền dạy văn hoá phi vật thể” và “Mô hình di sản kết nối gắn với hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các DTTS có di sản tương đồng”.