Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác xã vùng đồng bào DTTS và miền núi

Hoàng Quý - 13:33, 10/11/2022

Sáng 10/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận

Trước đó, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về các nội dung của Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Đã có 124 ý kiến phát biểu tại 19 tổ, cơ bản các ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Hợp tác xã để bổ sung, hoàn thiện các quy định về kinh tế tập thể, bảo vệ lợi ích chính đáng và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống các thành viên của tổ chức kinh tế tập thể, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ tán thành việc xây dưng Luật Hợp tác xã (sửa đổi) là phù hợp, cần thiết nhằm tạo chuyển biến tích cực cho các kinh tế tập thể phát triển năng động, hiệu quả, bền vững; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

 Một số đại biểu đề nghị dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần có Điều, khoản xác định rõ người lao động trong tổ chức kinh tế hợp tác là người làm công hưởng lương, có ký kết hợp đồng lao động với hợp tác xã theo Luật Lao động, quy định rõ hơn địa vị pháp lý, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động trong thực hiện hợp đồng lao động; cần quy định rõ: giao UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ cho tổ chức kinh tế hợp pháp thuộc địa phương mình quản lý; dự thảo Luật cần thể hiện chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công, chuyển giao ủy quyền cho Hợp tác xã trong thực hiện các dịch vụ công như hỗ trợ phát triển kinh doanh, phát triển khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại đầu tư, đồng thời, cũng cần tăng cường năng lực của Liên minh Hợp tác xã để thực hiện được các nhiệm vụ quan trọng này...

Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)
Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)

Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu): đề nghị Ban Soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung chính sách ưu tiên nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức là người đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giúp đồng bào dân tộc thiểu số sớm vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và giảm nghèo bền vững. Lồng ghép vào các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Đại biểu Hà Sỹ Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn)
Đại biểu Hà Sỹ Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn)

Đại biểu Hà Sỹ Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho rằng từ thực tiễn công tác tại địa phương, qua ý kiến kiến nghị, đề nghị khi tiếp xúc các chủ thể hợp tác xã cho thấy những hạn chế của các hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã mới thành lập, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, như còn thiếu thông tin, lúng túng trong tiếp cận các thủ tục hành chính về lập và tổ chức hoạt động của hợp tác xã, nhất là các sáng lập viên là người dân tộc thiểu số hoặc sinh sống ở vùng nông thôn, miền núi, vùng cao. Đại đa số hợp tác xã ở các tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế còn khó khăn như quy mô nhỏ, năng lực quản trị tài chính còn hạn chế, không có tài sản đảm bảo nên chưa tiếp cận được các chính sách tín dụng.

Do đó, đại biểu Hà Sỹ Huân đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung chính sách về hỗ trợ thành lập mới, cụ thể là hỗ trợ sáng lập viên tổ chức kinh tế tập thể được cung cấp miễn phí thông tin, tập huấn về các quy định pháp luật về hợp tác xã trước khi thành lập; được hỗ trợ xây dựng điều lệ, hướng dẫn và thực hiện các thủ tục thành lập, đăng ký và tổ chức hoạt động của kinh tế tập thể.

Đồng thời, cần có chính sách đặc thù về vay vốn tín dụng để các hợp tác xã đã nêu ở trên có điều kiện tiếp cận được các nguồn vốn để hợp tác xã phát triển.

Quang cảnh phiên thảo luận
Quang cảnh phiên thảo luận

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình, làm rõ một số nội dung mà các đại biểu quan tâm như: tên gọi của Dự án luật; mô hình liên đoàn hợp tác xã; các chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh tế tập thể; về tổ chức đại diện, Liên minh Hợp tác xã…

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại phiên thảo luận đã có 21 đại biểu phát biểu, 4 lượt đại biểu tranh luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Còn một số đại biểu chưa kịp phát biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi văn bản về Ban Thư ký để tiếp tục tổng hợp các ý kiến.

Theo đó, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.