Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kray Sức với những nỗ lực bảo tồn văn hóa Pa Cô

An Yên - 05:03, 12/12/2023

Ở tuổi 62, nhưng Kray Sức, Nghệ nhân ưu tú ở thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông (ỉnh Quảng Trị) sức khỏe có vẻ như vẫn như tên của mình, tràn đầy năng lượng và khí chất. Chúng tôi cũng đã bị cuốn theo niềm mạnh mẽ, hứng khởi ấy khi nghe ông đánh đàn Ta lư, hát điệu Cha chấp; nghe ông kể về tiếng cồng chiêng, tiếng khèn… mang âm hưởng của đại ngàn Trường Sơn.

Nghệ nhân Kray Sức giới thiệu các nhạc cụ dân tộc Pa Cô
Nghệ nhân Kray Sức giới thiệu các nhạc cụ dân tộc Pa Cô

Người thầy đầu tiên

Kray Sức là con thứ 9 trong gia đình 11 anh chị em, nhưng… chỉ mỗi duy nhất ông ở lại với mẹ cha, còn 10 anh chị em của ông đều lần lượt rời bỏ thế gian. Thuở nhỏ, Kray Sức ở với mẹ, trong khi bố, theo tiếng gọi của cụ Hồ, tòng quân đánh Mỹ.

Trong kí ức còn mãi đến bây giờ, ngày bố đi bộ đội, thứ quý giá nhất mà bố để lại cho mẹ con Kray Sức, là cây đàn Ta lư. Tuổi thơ Kray Sức thấm đẫm những năm tháng khó nhọc, vất vả vì suốt ngày theo mẹ lên rẫy, lên nương. Còn bữa ăn là rau cháo qua ngày. Để ru con ngủ, ngoài những bài dân ca Pa Cô, mẹ của Kray Sức đã đánh đàn Ta lư cho con nghe.

Tuổi thơ lớn dần theo câu hát, nhưng câu hát mà Kray Sức nhớ nhất, yêu nhất là lời ca mẹ hát có câu “toi tiếng ton”. Nghĩa là dù mệt mỏi vẫn cố gắng làm việc để động viên chồng ở tiền tuyến hãy yên tâm đánh giặc; ở nhà vợ vẫn chịu thương, chịu khó, siêng năng làm việc, bám bản, bám làng để hậu phương vững chắc.

Cho tới năm 12 tuổi, thì niềm yêu thích tiếng đàn, lời hát của Kray Sức mới được nhen nhóm. Kray Sức nhớ lại: Năm ấy là 1976, khi người Pa Cô tổ chức lễ hội A Riêu Ping lần thứ nhất kể từ khi đất nước được hoàn toàn giải phóng. Nhìn các già làng, các anh, chị cử hành lễ đâm trâu, hát, nhảy múa bên ngọn lửa bập bùng, hoà trong tiếng đàn Ta lư, điệu cồng chiêng… khiến tôi mê đắm và thổn thức. Tôi chợt nhớ đến tiếng đàn, lời hát mẹ đã ru tôi từ tấm bé.

Từ khoảnh khắc đó, cậu bé người Pa cô – Kray Sức, quyết tâm học đánh đàn Ta lư, học hát dân ca Pa Cô… Nếu như, mẹ là người nhen ngọn lửa yêu thích văn hóa Pa Cô trong lòng Kray Sức, thì già làng Kôn Sen lại chính là người thầy đầu tiên của ông.

Kray Sức - tên người như tính cuộc đời
Ông Kray Sức

Năm tháng trôi qua, cậu thiếu niên Kray Sức đã trở thành chàng thanh niên cường tráng đánh đàn Ta lư giỏi, có giọng hát hay nhất vùng. Người dân thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông vẫn truyền nhau câu chuyện đầy thi vị: Thời trai trẻ, Kray Sức có tiếng hát rất cuốn hút, tiếng đàn thánh thót khiến bao cô gái miền sơn cước đắm say. Gần như các cuộc thi văn nghệ ở thôn, bản, xã rồi huyện, Kray Sức đều đạt giải cao.

Canh cánh một nỗi niềm

Cũng như nhiều dân tộc khác, bản sắc văn hóa người Pa Cô đang dần mai một. Những người làm được đàn Ta lư, hát dân ca Pa Cô, chơi được nhạc cụ truyền thống thưa vắng dần. Thế hệ trẻ hầu như không biết văn hoá người Pa Kô…

Năm 2015 Kray Sức vinh dự được nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú do Chủ tịch nước trao tặng vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2017, Kray Sức được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Không thể để người Pa Cô mất nguồn cội, Karay Sức quyết tâm phục hồi, bảo tồn theo cách của riêng mình. “Năm 2004, tôi bắt đầu việc sưu tầm, lưu giữ hình ảnh, tư liệu, ghi chép về văn hóa Pa Cô”, ông Kray Sức cho biết.

Thế rồi, những năm tháng sau đó, bước chân Kray Sức đã rong ruổi khắp các bản làng ở miền Tây tỉnh Quảng Trị, thậm chí sang cả nước bạn Lào chỉ để sưu tầm văn hóa người Pa Cô. Đi đến đâu, gặp ai, Kray Sức cũng chụp ảnh, tỉ mẩn ghi chép văn hoá, lễ hội, làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ… của người Pa Kô.

Để rồi hôm nay, sau chặng đường dài say mê với văn hóa của dân tộc mình, Kray Sức đã có cho riêng mình một cuốn biên niên sử Pa Kô với 300 bức ảnh. Đó là những tư liệu vô cùng quý giá, mà nếu nếu không kịp thời lưu giữ thì khi những già làng mất đi, văn hoá Pa Cô sẽ khó khôi phục.

Có “kho báu” trong tay, không chia sẻ, quảng bá cho nhiều người biết thì cũng chẳng có ý nghĩa. Nghĩ vậy, Kray Sức đã có một quyết định đầy táo bạo mà ít ai làm được: trưng bày, triển lãm ảnh về văn hóa người Pa Cô. Và để thực hiện ý tưởng ấy, ông đã bán con trâu duy nhất của gia đình lấy tiền làm kinh phí thực hiện.

Truyền niềm đam mê văn hóa Pa Cô cho thế hệ trẻ
Truyền niềm đam mê văn hóa Pa Cô cho thế hệ trẻ

Kray Sức kể: Nghe nói bán trâu làm triển lãm ảnh văn hoá Pa Cô, dân làng cho là tôi có vấn đề. Còn vợ con, đương nhiên là phản đối rồi. Và tôi đã thuyết phục mọi người rằng: mình đã cất công sưu tầm thì phải triển lãm, giới thiệu cho nhiều người biết. Văn hóa là cái gốc dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn nên càng phải bảo tồn và phát huy; mà muốn bảo tồn được thì phải hiểu văn hóa như thế nào.

Cầm hơn 40 triệu đồng từ bán con trâu duy nhất của gia đình, tôi dành hơn một nửa để triển lãm 300 bức ảnh tại thành phố Đông Hà, thị trấn Krông Klang và các xã A Ngo, A Vao, Tà Rụt (huyện Đakrông). Sức hút của cuộc triển lãm văn hoá Pa Cô bằng hình ảnh đã vượt xa sự tưởng tượng của Kray Sức. Người đến xem nườm nượp, ai cũng trầm trồ vì nhiều điều độc lạ của văn hoá Pa Cô lâu nay họ chưa từng biết đến, nay mới biết, mới hiểu.

Trao truyền cho thế hệ trẻ

Hết sưu tầm, quảng bá cho mọi người hiểu và biết; chính Kray Sức đã lại trao truyền cho thế hệ trẻ về văn hóa Pa Cô. Nghệ nhân Kray Sức kể, những năm 2000, nhạc cụ như đàn Ta Lư và cồng chiêng của người Pa Cô ở Quảng Trị còn rất ít. Sau nhiều năm tích cóp, ông tìm đến già làng Kôn Máy đặt hàng làm 10 cây đàn Ta Lư rồi đem phát cho 9 thôn ở xã Tà Rụt, còn một cây, ông giữ riêng cho bản thân mình.

Có đàn Ta Lư, Kray Sức bắt đầu hành trình truyền bá niềm yêu thích nhạc cụ cho mọi người. Ông dành nhiều thời gian tìm đến từng bản làng, kêu gọi người dân đi học và trở thành thầy dạy đàn từ đó.

Kray Sức hướng dẫn điệu múa "Mời Chào" trong lễ hội
Kray Sức hướng dẫn điệu múa "Mời Chào" trong lễ hội

Bước chân Kray Sức lại in dấu khắp các bản làng Pa Cô trên dãy Trường Sơn. Sự say mê không mệt mỏi của ông cũng đã có kết quả, khi nhiều người dân bên dòng Đakrông đã bắt đầu chơi được đàn Ta lư và hát được vài làn điệu dân ca dân tộc mình. Nhưng, nhạc cụ của người Pa Cô không chỉ có mỗi tiếng đàn Ta lư. Để làm phong phú thêm lời ca, điệu hát… ông đã cất công đi tìm những người biết thổi khèn, chơi cồng chiêng, quy tụ thành nhóm nhạc để truyền dạy dân ca Pa Cô.

Nhờ Kray Sức, Tà Rụt là xã đầu tiên ở Quảng Trị khôi phục được làn điệu dân ca truyền thống dân tộc Pa Cô. Rồi không chỉ lưu truyền văn hoá dân tộc cho đồng bào Pa Cô trong huyện Đakrông, ông còn nhận lời đi dạy ở các xã khác trong huyện, thậm chí ra ngoài tỉnh. Nơi nào người Pa Cô cần, Kray Sức sẽ có mặt, đem hết nhiệt huyết của mình truyền dạy văn hoá Pa Cô.

Đồng hành cùng Kray Sức những năm qua, là 7 học trò xuất sắc đã tham gia truyền dạy văn hoá Pa Cô cho hàng trăm người dân, trong đó có nhiều bạn trẻ chỉ mới mười tám, đôi mươi. Ông Kray Sức tâm sự: Tôi chỉ mong sao khi mình không còn đủ sức nữa thì các bạn trẻ vẫn tiếp nối niềm đam mê với văn hóa Pa Cô như tôi đã từng làm. Có như vậy, văn hóa Pa Cô mới phát triển cùng năm tháng.

Cấp ủy, chính quyền huyện Đakrông cũng đã không đứng ngoài cuộc trong dòng chảy của việc lưu truyền, quảng bá văn hóa Pa Cô của kray Sức. Chẳng thế mà nhiều địa phương đã có quy định khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Pa Cô mặc trang phục truyền thống vào thứ 2 mỗi tuần; tổ chức nhiều cuộc thi trình diễn văn hoá truyền thống, phát triển du lịch cộng đồng…

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.