Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kon Tum: Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách đất đai cho đồng bào từ cơ sở kết quả cuộc Điều tra 53 DTTS

Ngọc Chí - 12:16, 08/12/2024

Chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước. Những năm qua, tỉnh Kon Tum đã triển khai kịp thời các chính sách về đất đai, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS ổn định đời sống, phát triển sản xuất và vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, kết quả của Cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 sẽ công bố trong thời gian tới, là cơ sở để tỉnh Kon Tum đề ra nhiều giải pháp nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách đất đai cho đồng bào DTTS.

Thực hiện kịp thời chính sách đất đai cho đồng bào DTTS

Tỉnh Kon Tum có 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS chiếm hơn 54%. Hầu hết đồng bào DTTS có sinh kế gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. Vì thế, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng đối với đồng bào DTTS.

Xác định rõ tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào DTTS, trên cơ sở dữ liệu Cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019 và kết quả thống kê, rà soát hằng năm, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. 

Đặc biệt, chú trọng thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án về hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025.

Việc triển khai kịp thời chính sách đất đai giúp cho đồng bào DTTS ở tinh Kon Tum có đủ tư liệu sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống
Việc triển khai kịp thời chính sách đất đai giúp cho đồng bào DTTS ở tỉnh Kon Tum có đủ tư liệu sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống

Ông A Ninh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Kon Plông cho biết: Việc triển khai chính sách đất đai cho đồng bào DTTS được huyện hết sức quan tâm. Ngoài số liệu thống kê từng năm, thì hằng tháng Phòng Dân tộc phối hợp với các xã rà soát, tổng hợp danh sách các hộ còn thiếu đất ở, đất sản xuất. Trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất UBND huyện triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, từ 2003 đến nay, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh đã hỗ trợ đất ở và đất sản xuất cho hơn 16.100 hộ đồng bào DTTS.

Riêng từ năm 2022 đến năm 2024, toàn tỉnh đã có 139 hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ đất ở; trong đó, giao đất trực tiếp cho 19 hộ với diện tích đất 4.189m2, hỗ trợ kinh phí ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép cho 120 hộ. Thực hiện hỗ trợ đất sản xuất cho 1.085 hộ, trong đó có 45 hộ được giao đất trực tiếp, còn 1.040 hộ được hỗ trợ bằng hình thức chuyển đổi ngành nghề. Hiện 99,31% hộ đồng bào DTTS có đất ở, 99,29% hộ đồng bào DTTS có đất sản xuất.

Chị Y Kỷ, thôn Đăk Xô, xã Hiếu, huyện Kon Plông có cuộc sống ổn định nhờ chính sách hỗ trợ đất sản xuất
Chị Y Kỷ, thôn Đăk Xô, xã Hiếu, huyện Kon Plông có cuộc sống ổn định nhờ chính sách hỗ trợ đất sản xuất

Chị Y Kỷ, thôn Đăk Xô, xã Hiếu, huyện Kon Plông chia sẻ: Gia đình thuộc diện hộ nghèo, 4 người chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập hơn 1 sào đất trồng mì và đi làm thuê. Cuối năm 2023, gia đình được huyện hỗ trợ 25 triệu đồng để mua 1.100m² đất ruộng để trồng lúa. Vụ mùa đầu tiên, gia đình thu hoạch gần 400kg lúa, ổn định về lương thực, không thiếu thốn như những năm trước.

Có đất ở, đất sản xuất giúp đồng bào DTTS ổn định chỗ ở, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, tạo sự phấn khởi và tin tưởng của đồng bào DTTS vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cơ sở dữ liệu để tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách đất đai

Cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 sẽ đưa ra các số liệu, chứng cứ tin cậy để giúp các cơ quan Trung ương; cũng như các địa phương vùng đồng bào DTTS có được những đánh giá chính xác, về kết quả thực hiện các chính sách dân tộc đến năm 2024 và dự kiến đến năm 2025; đánh giá 5 năm triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030; kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, cũng như kết quả thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025, chuẩn bị xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch phát triển giai đoạn tiếp theo 2026-2030; làm cơ sở để các cấp uỷ, tổ chức đảng chuẩn bị báo cáo và các văn kiện phục vụ Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Số liệu của Cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 sẽ là cơ sở để tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách về đất đai cho đồng bào DTTS
Số liệu của Cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 sẽ là cơ sở để tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách về đất đai cho đồng bào DTTS

Đặc biệt, số liệu thống kê từ cuộc điều tra sẽ đánh giá đúng thực trạng về đất đai của đồng bào DTTS. Từ đó, làm cơ sở để tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách về đất đai cho đồng bào DTTS.

Ông Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Pô Kô, huyện Đăk Tô cho biết: Xã có 05 thôn, gần 3.900 nhân khẩu, với 10 dân tộc anh em sinh sống. Vừa qua, UBND xã cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 đúng theo lộ trình, kế hoạch đề ra.

Đối với chính quyền địa phương, thì cũng mong muốn thông qua số liệu của cuộc điều tra, các cơ quan Trung ương và tỉnh có định hướng, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và đặc biệt là giải quyết kịp thời chính sách đất đai cho đồng bào DTTS.

Theo thống kê sơ bộ, hiện toàn tỉnh Kon Tum còn gần 3.900 hộ đồng bào DTTS thiếu và không có đất ở, đất sản xuất. Tuy nhiên, với đặc thù địa bàn cư trú của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa; hằng năm, do ảnh hưởng của thiên tai nên nhiều diện tích đất ở, đất sản xuất bị sạt lở, san lấp; cùng với đó, nhiều gia đình trẻ tách hộ, lập vườn nên nhu cầu về đất ở, đất sản xuất là khá lớn. 

Vì vậy, thời gian tới, tỉnh Kon Tum tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS với mục tiêu đến năm 2025 có 100% hộ đồng bào DTTS có đất ở, đất sản xuất.

Tỉnh Kon Tum đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 100% hộ đồng bào DTTS có đất ở, đất sản xuất
Tỉnh Kon Tum đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 100% hộ đồng bào DTTS có đất ở, đất sản xuất

Ông Đinh Quốc Tuấn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết: Trong thời gian tới, thực hiện Điều 16, Luật Đất đai năm 2024 “về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS” và trên cơ sở dữ liệu của Cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 sắp được công bố thì Ban Dân tộc sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị, địa phương tham mưu HĐND, UBND các nhiệm vụ, giải pháp và các chính sách hỗ trợ nhằm giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS.

Với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và kết quả Cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024, sẽ công bố trong thời gian tới, là cơ sở quan trọng để tỉnh Kon Tum triển khai có hiệu quả chính sách đất đai cho đồng bào DTTS trong những năm tiếp theo. 

Tin cùng chuyên mục