Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hoạch định chính sách từ dữ liệu điều tra 53 DTTS ở Lạng Sơn: Cần đánh giá những tác động sau cơn bão số 3

Thúy Hồng - 22:31, 01/10/2024

Từ 1/7 đến 15/8/2024, tỉnh Lạng Sơn cùng với các địa phương trong cả nước đã ra quân điều tra và hoàn thành thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024. Tuy nhiên, cơn bão Yagi vừa diễn ra vào đầu tháng 9 đã khiến đồng bào các DTTS Lạng Sơn bị thiệt hại nặng nề về đất đai, nhà cửa và hoa màu... Từ những hậu quả tác động do cơn bão số 3 gây ra rất cần sự đánh giá lại những kết quả về thực trạng kinh tế xã hội các DTTS.

Điều tra viên phỏng vấn hộ dân tại địa bàn xã Tri Phương, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn
Điều tra viên phỏng vấn hộ dân tại địa bàn xã Tri Phương, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn

Cơ sở hoạch định chính sách và chiến lược phát triển 

Từ ngày 01/7/2024, để điều, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024, tỉnh Lạng Sơn đã huy động sự vào cuộc phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện cuộc điều tra.

Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp chặt chẽ với Cục Thống kê, các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp triển khai các biện pháp nghiệp vụ, áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện tốt phương án điều tra. Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh, chính quyền cơ sở và bà con DTTS đồng tình phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác giúp cuộc điều tra đạt kết quả tốt nhất, nhằm mục đích cung cấp toàn diện thông tin về dân số và phân bố dân cư, tiếp cận cơ sở hạ tầng, kinh tế, tình trạng nghèo đói, an sinh xã hội, văn hóa, giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; y tế, vệ sinh môi trường nông thôn; cán bộ đảng viên; di cư tự do; tôn giáo, tín ngưỡng; an ninh nông thôn vùng DTTS.

Theo ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cuộc điều tra này không chỉ hướng đến việc đánh giá trình độ phát triển của các dân tộc thiểu số so với mặt bằng chung của cả nước, mà còn đánh giá sự bình đẳng giữa các dân tộc. Do đó, kết quả cuộc điều tra làm tiền đề để Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn và chính quyền các cấp xây dựng chính sách dân tộc trong giai đoạn tiếp theo, góp phần khuyến khích, hỗ trợ để đồng bào dân tộc phát huy nội lực, giảm bớt sự chênh lệch giữa trình độ phát triển của các dân tộc.

Sau 45 ngày, công tác thu thập thông tin cuộc điều tra DTTS năm 2024 tại các huyện, thành phố đã hoàn thành. Cuộc điều tra sẽ đưa ra các số liệu, thông tin tin cậy, giúp không chỉ các cơ quan Trung ương, mà còn giúp các địa phương có đồng bào DTTS nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng, có được đánh giá chính xác về kết quả thực hiện các chính sách dân tộc và xây dựng định hướng chiến lược phát triển đến năm 2030, cũng như các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt các chính sách đối với đồng bào DTTS.

Cơn bão đã gây thiệt hại nặng nề, ảng hưởng đến đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn các huyện, thành phố của tỉnh Lạng Sơn
Cơn bão đã gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn các huyện, thành phố của tỉnh Lạng Sơn

Tuy nhiên, sau khi cuộc điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS trên địa bàn Lạng Sơn vừa kết thúc khoảng hai chục ngày, thì địa phương này cũng như một số tỉnh miền Bắc đã bị tác động nặng nề bởi ảnh hưởng của cơn bão Yagi. Cơn bão đã gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn các huyện, thành phố của tỉnh Lạng Sơn.

Chỉ làm một phép so sánh nhỏ về tình hình kinh tế-xã hội của Lạng Sơn trong 2 tháng 8 và 9 sẽ nhận thấy những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra. Theo báo cáo đánh giá tình hình kinh tế-xã hội của Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn, trong tháng 8/2024 có mức tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh tháng 8 năm 2024 ước tính đạt 3.127,9 tỷ đồng, tăng 11,85% so với cùng kỳ. Cộng dồn 8 tháng ước tính đạt 23.957,2 tỷ đồng, tăng 12,93% so với cùng kỳ. Các chỉ số về sản xuất công nghiệp, nông lâm nghiệp đều tăng tích cực. Cụ thể chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 năm 2024 tăng 0,49% so với tháng trước, diện tích gieo cấy lúa đạt 17.774,3ha; Tổng đàn gia cầm ước tính 4.973,6 nghìn con, tăng 3,35% so với cùng kỳ; trong đó, tổng đàn gà là 4.392,9 nghìn con, tăng 3,5 so với cùng kỳ...

Tác động từ bão số 3 đối với bức tranh kinh tế-xã hội 

Tuy nhiên, sau cơn bão Yagi, bức tranh về tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Lạng Sơn đã thay đổi hoàn toàn. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn, cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão khiến Lạng Sơn có 3 người chết, 10 người bị thương; 12.454 hộ gia đình bị thiệt hại về nhà ở; trên 18.000ha lúa, hoa màu, trên 30.000ha cây lâm nghiệp bị ảnh hưởng, gãy đổ; trên 250 công trình, hạng mục công trình thủy lợi bị hư hỏng; 1.445 vị trí tuyến quốc lộ, tuyến đường tỉnh, đường tuần tra biên giới, đường huyện bị sạt lở đất... Ước tính tổng thiệt hại trên 900 tỷ đồng.

Với những thiệt hại nặng nề như vậy, chắc chắn sẽ ảnh hưởng nặng nề tới đời sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Những thiệt hại do thiên tai gây ra sẽ làm thay đổi nhiều thông tin về hiện trạng kinh tế-xã hội của địa phương. Đã có không ít hộ dân bị mất nhà cửa, hoa màu, theo đó sẽ chuyển từ hộ khá, trung bình có thể rớt ngay xuống hộ nghèo, cận nghèo do ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, đời sống dân sinh sau mưa bão…

Gia đình anh Lục Văn Công thôn Cắp Kẻ, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định bị sập nhà hoàn toàn do cơn bão số 3 gây ra
Gia đình anh Lục Văn Công thôn Cắp Kẻ, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định bị sập nhà hoàn toàn do cơn bão số 3 gây ra

Lấy ví dụ như tại huyện Tràng Định, cơn bão Yagi đã khiến hơn 2.607 hộ gia đình ở Tràng Định bị ảnh hưởng, hơn 2.409 nhà dân bị ngập, 46 hộ gia đình bị sạt lở đất đá xuống nhà, 148 hộ bị tốc mái, 3 hộ bị sập nhà hoàn toàn, 300 tiểu thương mất trắng hàng hóa, 650ha hoa màu bị thiệt hại....

Anh Lục Văn Công thôn Cắp Kẻ, xã Đại Đồng, cho biết: Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, ngôi nhà của gia đình tôi bị sập nhà hoàn toàn. Hiện nay, gia đình phải nhờ các lực lượng chức năng và hàng xóm hỗ trợ dựng nhà tạm để ở.

Theo ông Lèo Văn Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định, để bảo đảm ổn định lâu dài về đời sống và sản xuất cho người dân, huyện cần nguồn vốn khoảng 200 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Bắc Khê, khu vực đông dân cư sinh sống và 100 tỷ đồng để bố trí ổn định dân cư cho các hộ dân khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở đất và hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả sau cơn bão.

Từ những thống kê sơ bộ từ thực tế mưa lũ của Lạng Sơn, có thể thấy, sau cơn bão số 3, những dữ liệu về cơ sở hạ tầng ở các địa bàn thuộc phạm vi triển khai điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 của tỉnh Lạng Sơn đã bị tác động so với kết quả đã thu thập được từ ngày 01/7 đến 15/8 vừa qua.

Ông Nguyễn Trung Dũng, Trưởng phòng Thu thập Thông tin thống kê, Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn cho biết: Do ảnh hưởng của cơn bão Yagi, tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS của Lạng Sơn sẽ có nhiều thay đổi, tuy nhiên việc điều tra thực trạng 53 DTTS là tính theo thời điểm. Những ảnh hưởng của thiên tai, như sạt lở đất, các thiết chế văn hóa và thông tin… thì khi thực hiện các chính sách sẽ có sự điều chỉnh.

Thực tế, việc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS có thể phụ thuộc vào thời điểm của cuộc điều tra. Nhưng việc đánh giá tác động của thiên tai đối với thực trạng phát triển kinh tế-xã hội 53 DTTS nói chung và trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói riêng là rất cần thiết. Có như vậy, mới có những cơ sở dữ liệu chính xác nhất để hoạch định chính sách trong thời giai đoạn tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Sa Thầy (Kon Tum): Người có uy tín, kênh truyền thông hữu hiệu Chương trình MTQG 1719

Sa Thầy (Kon Tum): Người có uy tín, kênh truyền thông hữu hiệu Chương trình MTQG 1719

Những năm qua, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn huyện biên giới Sa Thầy (Kon Tum) đã phát huy vai trò của mình, chung tay, góp sức cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, Người có uy tín là một “kênh truyền thông” hữu hiệu Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719) đến với Nhân dân.