Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kon Tum: Người dân vùng sạt lở mong có nơi ở mới ổn định

PV - 15:09, 08/09/2020

Sau mùa lũ năm 2019, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề.

Làng Tu Thó xã Tê Xăng huyện Tu Mơ Rông nằm trong vùng sạt lở cần di dời.
Làng Tu Thó xã Tê Xăng huyện Tu Mơ Rông nằm trong vùng sạt lở cần di dời.

Nhiều quả đồi, nơi định cư của người Xê Đăng bị sạt lở, nứt đôi. Nhiều căn nhà bị đất đá vùi lấp, chính quyền phải huy động lực lượng, dời dân trong đêm. Trước thực tế trên, huyện Tu Mơ Rông đã xây dựng phương án dời 300 hộ trong huyện về định cư nơi ở mới, đảm bảo an toàn cho dân.

Dời làng vì mưa lũ

Làng Tu Thó xã Tê Xăng là điểm "nóng" nhất trong nhiều năm qua. Mỗi khi mưa lũ, Tu Thó luôn là rốn sạt lở. Năm 2019, làng cũ nằm lưng chừng núi, mưa nhiều, nước thấm vào đất khiến nguyên quả đồi bị sạt lở nặng, biến điểm định cư của Tu Thó trở thành tâm sạt lở. Sau vụ việc này, chính quyền huyện Tu Mơ Rông buộc phải di dời người dân làng Tu Thó về định cư nơi ở mới, trong đó có 51/139 hộ cần di dời khẩn cấp.

Để chọn đất định cư cho làng Tu Thó, các cấp, ngành trong huyện và tỉnh Kon Tum đã tổ chức nhiều đợt khảo sát, chọn vị trí giúp dân an cư. Tuy nhiên, không riêng làng Tu Thó xã Tê Xăng, cả huyện Tu Mơ Rông việc chọn quỹ đất để xây dựng điểm định cư cho dân rất hạn hẹp, đồi núi, dốc cao dễ sạt trượt.

Theo Báo cáo số 434 của UBND huyện Tu Mơ Rông, hiện nay không còn vị trí nào khác để bố trí tái định cư ngoài vị trí đang thực hiện, nếu tìm kiếm, bổ sung thêm diện tích đất ở rất khó. Làng mới nơi chính quyền và người dân chọn ở phía trên nơi ở cũ (vẫn nằm trong quả đồi bị sạt). Đây là lần thứ hai trong hơn 10 năm qua, người dân Tu Thó phải dời làng vì mưa lũ, sạt lở (lần đầu sau cơn bão số 9 năm 2009).

Ngay sau khi chọn được vị trí, chính quyền các cấp nỗ lực để sớm bàn giao mặt bằng cho người dân làng Tu Thó định cư. Hiện các đơn vị thi công đang san ủi mặt bằng, làm đường giao thông nội bộ, làm nhà rông, nhà trẻ...

"Trong quá trình làm, chúng tôi không dám sản ủi nhiều vì sợ sạt lở. Địa chất ở đây không ổn định nên mưa lũ là sạt lở" anh Hoàng Hiệp, cán bộ kỹ thuật của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tu Mơ Rông thừa nhận.

Làng tái định cư mới, địa chất không ổn định (nằm trong quả núi bị lở) nhưng công tác khoan thăm dò địa chất, đánh giá chi tiết ổn định vùng đất không thể làm được. Ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyên Tu Mơ Rông thừa nhận không thể khoan thăm dò địa chất vì kinh phí quá lớn. Vị trí sạt lở rộng, làng tái định cư mới của Tu Thó chỉ 20 ha (trong phạm vi đã bị sạt), nếu thăm dò trong phạm vi tái định cư sẽ không đánh giá hết, làm rộng hơn thì không có kinh phí.

Là hộ đầu tiên nhận đất và đang xây nhà, anh A Màu ở làng Tu Thó cho biết: Nhà cũ bị vùi lấp do mưa lũ, Nhà nước vận động dân lên nơi ở mới. Người dân làng Tu Thó đã hai lần phải di dời vì sạt lở. Mỗi lần di dời người dân rất khổ, tốn kém vì vừa ổn định cuộc sống lại di dời. Tôi mong làng mới ổn định để dân an tâm lao động, sản xuất.

Hiện trong số 51 hộ ở làng Tu Thó cần di dời khẩn cấp, hộ A Màu là nhận đất và đang thi công nhà, dự kiến đến cuối tháng 9/2020 sẽ hoàn thành. Còn lại vì nhiều lý do các hộ dân vẫn chưa di dời.

Dời nhà, chuyện khó làm

Hiện tại, công tác di dời, tái định cư cho 300 hộ dân trong huyện Tu Mơ Rông do thiên tai bão lũ đang gặp nhiều khó khăn, thách thức cho chính quyền và người dân.

Xây dựng nhà rông cho làng Tu Thó tại điểm định cư mới ở xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông.
Xây dựng nhà rông cho làng Tu Thó tại điểm định cư mới ở xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông.

Theo quy định, mỗi hộ dân dời nhà được hỗ trợ 20 triệu đồng và 5,4 triệu đồng tiền hỗ trợ gạo. Người dân thống nhất gộp hai khoản này để làm nhà.

Theo ông A Đe - Chủ tịch UBND xã Tê Xăng, thực tế qua khảo sát, nhà dân không thể di dời vì đã cũ, hư hỏng nhiều nên phải xây nhà tại nơi định cư mới của làng. Tuy nhiên, mức hỗ trợ 25,4 triệu đồng, với người dân làng Tu Thó là rất khó khăn cho việc xây nhà. Người dân bao đời làm nông, trồng trọt trên đồi dốc, trình độ thâm canh hạn chế, bão lũ tàn phá hoa màu, khiến cuộc sống của họ càng thêm khó khăn, dân không thể huy động được nhiều tiền làm nhà. Bên cạnh đó, khi dân làm nhà gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới có chi phí lớn, theo quy định của UBND tỉnh Kon Tum, nhà xây mới diện tích ít nhất 40m2/căn hộ, mức xây tối thiểu 80 triệu đồng.

"Nhà mình xây rộng hơn 100 m2, khoán thợ 180 triệu đồng. Nhà nước hỗ trợ hơn 25 triệu đồng, còn gia đình phải lấy tiền đền bù (từ thu hồi đất làm làng tái định cư mới) của Nhà nước để xây nhà. Trong làng không phải ai cũng có tiền đền bù để góp vào xây nhà", anh A Màu thừa nhận.

Trước thực tế trên, ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông thừa nhận bài toán nan giải cho chính quyền trong việc an cư cho dân. Theo ông, đây là dự án di dời nên mức hỗ trợ thấp. Bà con ở vùng sạt lở đều là hộ nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn. Hiện huyện vận động các hộ có tiền đền bù, kết hợp với tiền hỗ trợ của Nhà nước để làm nhà. Ngoài ra, người dân có thể vay từ nguồn vốn vay ưu đãi (chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo Quyết định 33), mức cho vay làm nhà là 25 triệu đồng, trả trong 15 năm, trong đó 5 năm đầu không tính lãi. Hiện, UBND huyện đang tìm nguồn từ xã hội hóa, kêu gọi các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân hỗ trợ.

Được biết, hiện có 10/139 hộ dân ở Tu Thó đăng ký vay vốn ưu đãi từ Ngân hành chính sách xã hội huyện.

Cùng với khó khăn trong việc chọn vị trí tái định cư, địa chất không ổn định, với 300 căn nhà mới, nhu cầu gỗ làm nhà lớn. Đây là áp lực không nhỏ cho công tác giữ rừng nơi đây.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.