Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kon PLông (Kon Tum): Nhiều học sinh DTTS có nguy cơ bỏ học

L.Phương - H.Đại - 12:03, 16/11/2021

Hiện nay, trên địa bàn huyện KonPLông (Kon Tum) hàng trăm em học sinh đứng trước nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh quá khó khăn. Nguyên nhân là do các em sinh sống ở những xã đã về đích nông thôn mới (NTM), nên không còn được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước như trước đây. Nhà trường phải đứng ra kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ các em trong giai đoạn đầu để các em đến trường. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Thời tiết mưa gió, nhà xa trường học, không có phương tiện đi lại, nhiều học sinh có nguy cơ phải nghỉ học
Thời tiết mưa gió, nhà xa trường học, không có phương tiện đi lại, nhiều học sinh ở Kon Plong có nguy cơ phải nghỉ học

Nguy cơ học sinh bỏ học 

Ngày 4/6/2021, Thủ tướng Chính ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt danh sách xã khu vực III, khu vực II, khu vực I  giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, những xã đã về đích NTM không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn, đồng nghĩa học sinh ở các xã này không còn được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước như trước đây. Tuy nhiên, trong thực tế, không ít học sinh DTTS sinh sống ở các xã đã về đích NTM vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế gia đình. Do vậy, khi không còn được hưởng chính sách hỗ trợ, số học sinh này có nguy cơ bỏ học.

Đơn cử như Trường THCS Pờ Ê (xã NTM), bước vào năm học mới với tâm thế lo lắng, bởi nhà trường có 129 học sinh đang theo học tại trường bị cắt hết các chế độ hỗ trợ. Điều này khiến nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở xa trường đứng trước nguy cơ bỏ học.

Em A Hảo, học sinh lớp 7B,Trường THCS Pờ Ê chia sẻ: "Nhà em cách trường gần 15 cây số, đường sá đi lại hết sức khó khăn. Em nghe thông tin sắp tới sẽ không được ở bán trú nữa. Như vậy chắc em phải nghỉ học, vì đường đến trường xa, vào mùa mưa đường lầy lội, đi từ nhà em đến trường cũng mất mấy tiếng đồng hồ. Gia đình em lại rất khó khăn, nên không thể mua sắm phương tiện để em đi học".

Tương tự, xã Măng Cành đã được UBND tỉnh Kon Tum công nhận đạt chuẩn NTM ngày 7/1/2021. Áp dụng theo các quy định trên, hàng trăm học sinh đang theo học tại Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) Bán trú Tiểu học Măng Cành bị cắt hết các chế độ hỗ trợ. Thầy Trần Thông, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học Măng Cành, cho biết: Trước đây, khi Măng Cành chưa được công nhận xã NTM, thì nhà trường có 136 học sinh được hưởng chế độ hỗ trợ. 

Theo đó, mỗi học sinh sẽ được hỗ trợ tiền ăn là 596.000 đồng/học sinh/tháng; 15kg gạo; tiền Y tế là 50.000 đồng/học sinh/năm và tiền thể dục là 100.000 đồng/học sinh/năm. “Năm học 2021 - 2022, trường có tổng cộng 255 học sinh và tất cả các em đều bị cắt hết chế độ hỗ trợ. Như vậy, nguy cơ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn bỏ học là không thể tránh khỏi.

Bữa ăn của các em tại Trường PTDTBT Tiểu học Măng Cành
Bữa ăn của các em tại Trường PTDTBT Tiểu học Măng Cành

Giải pháp “giữ chân” học sinh

Đứng trước thực trạng trên, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Kon Plông và các trường đã đề ra một số giải pháp để “giữ chân” học sinh, tuy nhiên, đều là những giải pháp tạm thời. Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Kon Plông, năm học 2021 - 2022, các xã Măng Cành, Pờ Ê và thị trấn Măng Đen có 6 đơn vị trường, 63 lớp, 1.135 học sinh bị ảnh hưởng do sự thay đổi chính sách. 

Phòng GD&ĐT huyện Kon Plông đã chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện các văn bản của Huyện ủy, UBND huyện và tham mưu Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch chi tiết về số lượng học sinh ăn ở tại đơn vị, khẩu phần ăn, các khoản đóng góp về lương thực, thực phẩm, ngày công theo nguyên tắc tự nguyện.

Nếu không còn chính sách hỗ trợ thì nhiều học sinh Trường THCS Pờ Ê có nguy cơ phải nghỉ học do hoàn cảnh quá khó khăn
Nếu không còn chính sách hỗ trợ thì nhiều học sinh Trường THCS Pờ Ê có nguy cơ phải nghỉ học do hoàn cảnh quá khó khăn

Thầy Nguyễn Đăng Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Pờ Ê chia sẻ: Ngay từ đầu năm học, Nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương đến nhà từng em học sinh để làm công tác tư tưởng, vận động các em đến lớp. Nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn, nhà ở cách xa trường, nếu không có chính sách hỗ trợ thì các em không thể tiếp tục đến trường.

“Chúng tôi đã kêu gọi các mạnh thường quân tham gia hỗ trợ phần nào cho học sinh bán trú. Cùng với đó, Nhà trường tổ chức thực hiện mô hình tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi gà, vịt để cải thiện bữa ăn cho học sinh”, thầy Linh chia sẻ thêm.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Cường, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kon Plông cho biết: Từ đầu năm học đến nay đã có nhiều em học sinh nghỉ học. Nhưng với quyết tâm không để học sinh bỏ học, chúng tôi đã chỉ đạo các trường phối hợp với chính quyền địa phương đến nhà từng em học sinh để vận động phụ huynh cam kết không để con mình nghỉ học. Sau những lần vận động, học sinh có đi học lại, nhưng về lâu dài thì khó bảo đảm duy trì được tỷ lệ học sinh đến trường.

Phòng GD&ĐT huyện cũng đã có văn bản tham mưu Huyện ủy, UBND huyện Kon Plông và chỉ đạo các đơn vị trường học phối hợp, tham mưu cho chính quyền các cấp  tuyên truyền, vận động và kêu gọi phụ huynh đóng góp lương thực, thực phẩm để duy trì hoạt động của học sinh bán trú. “Tuy nhiên, để duy trì mô hình học sinh bán trú được ổn định, bảo đảm chất lượng học tập của các em học sinh, chúng tôi cũng kiến nghị các cấp ban ngành Trung ương và tỉnh Kon Tum cần sớm có chính sách hỗ trợ lâu dài”, ông Cường kiến nghị.

Ông Đinh Quốc Tuấn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cũng cho hay: Chúng tôi cũng đang rất lúng túng về vấn đề này. Vì vùng DTTS không thể áp dụng theo quy định chung, mà phải có chính sách đặc thù. Vừa qua, Ban cũng phối hợp với Sở GD&ĐT tỉnh tiến hành rà soát những vùng đồng bào DTTS, vùng ĐBKK để kịp thời báo cáo với Tỉnh ủy, UBND tỉnh để có định hướng giúp đỡ các em, tránh tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.