Thúc đẩy phát triển kinh tế vùng DTTS và miền núi
Trong những năm gần đây, các mô hình KTTT tại Sơn La đã và đang từng bước phát triển, khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Sự phát triển của mô hình KTTT tại Sơn La đã khắc phục những tồn tại trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, như: Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng nông sản kém. Qua đó, các HTX đã tạo thêm việc làm, cải thiện nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động, gắn phát triển kinh tế HTX với quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 661 HTX, 258 tổ HTX, với tổng số 31.499 thành viên, hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực, tổng số vốn hoạt động đạt 3.312 tỷ đồng. Nếu như năm 2014, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 1,6 triệu đồng/tháng, thì đến cuối năm 2019 đã tăng lên 3 triệu đồng/tháng (tăng 87,5%).
Theo ông Lê Doanh Phúc, Phó Giám đốc HTX Bảo Minh, mô hình HTX đã thay đổi tập quán trồng trọt của hộ cá nhân phân tán trước đây, sang sản xuất tập trung có đầu tư thâm canh, tạo được chuỗi sản xuất liên kết. HTX Bảo Minh đã có 36ha đất nông nghiệp tập trung trồng nhãn ghép, cùng các loại cây ăn quả như bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam Vinh... Mỗi năm, HTX thu hoạch trên 300 tấn quả các loại. Trừ chi phí, HTX có tổng thu nhập gần 4 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho các thành viên và nhiều lao động địa phương.
Tại tỉnh Hòa Bình, đến nay, toàn tỉnh có 203 Tổ hợp tác (THT), 425 HTX và 2 Liên hiệp HTX. Các THT và HTX ngày càng được củng cố, đổi mới, phát triển và hoạt động hiệu quả, đã giải quyết được việc làm cho hơn 21.778 lao động; với thu nhập bình quân người lao động đạt 4 triệu đồng/người/tháng. Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã chủ động quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, tập trung đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ, liên kết hoạt động theo chuỗi… mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên và người lao động. Nhiều HTX đã trở thành chủ thể tiềm năng của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), như: HTX Chăn nuôi gà Lạc Thủy (huyện Lạc Thủy), HTX Sản xuất, Chế biến và Tiêu thụ bưởi Tân Lạc (huyện Tân Lạc), HTX Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Bản Lác (huyện Mai Châu), HTX Hà Phong (huyện Cao Phong), HTX Nông nghiệp và Thương mại Mường Động (huyện Kim Bôi)…
Tại Lai Châu, tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 230 HTX đang hoạt động. Tổng vốn điều lệ của các HTX hơn 663 tỷ đồng (bình quân 2,9 tỷ đồng/HTX); doanh thu bình quân đạt gần 1,7 tỷ đồng/HTX. Tổng số lao động thường xuyên trong HTX trên 7.500 người, với thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 50 triệu đồng/năm/người. Mô hình HTX sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm của vùng, địa phương được mở rộng, trở thành xu thế chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất để HTX nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững. Điển hình như: HTX Quyết Tâm, TP. Lai Châu với các sản phẩm từ cây Atiso; HTX Thanh Xuân, huyện Than Uyên với sản phẩm gạo séng cù; HTX Huy Hoàng, huyện Nậm Nhùn với sản phẩm chanh leo…
Khẳng định vị trí trong nền kinh tế quốc dân
Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, cả nước có 25.454 HTX, 102 Liên hiệp HTX, 119.399 THT, hoạt động trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, thu hút hơn 8,1 triệu thành viên. Các HTX phân bổ trên tất cả các vùng kinh tế của cả nước, từ Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, thì ở vùng DTTS và miền núi có gần 10.000 HTX, 35 Liên hiệp HTX, 61.471 THT; tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt 53%. Chỉ tính riêng vùng Tây Bắc, đã có tới 2.559 HTX, Liên hiệp HTX, THT… chiếm gần 10% tổng số của cả nước. Khu vực kinh tế tập thể vùng DTTS và miền núi đã tích tụ, tập trung được hơn 1 triệu ha đất để sản xuất quy mô lớn; thu hút hơn 3,7 triệu thành viên, chiếm 37% tổng số thành viên HTX trên địa bàn cả nước, tạo việc làm cho hơn 1,1 triệu lao động. Thu nhập bình quân của các thành viên, người lao động khu vực HTX nông nghiệp đạt 0,7 - 1,5 triệu đồng/người/tháng; khu vực HTX phi nông nghiệp đạt 1,8 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Thông qua các mô hình KTTT, các hộ thành viên có điều kiện tham gia và nhận được hỗ trợ của Nhà nước, của các chương trình, dự án phát triển KT-XH tại địa phương. Từ đó, tạo lòng tin cho các thành viên yên tâm hoạt động, sản xuất, xây dựng các chuỗi giá trị cao, hình thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững.
Định hướng, mục tiêu phát triển KTTT trong những năm tới, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết: “Việc phát triển KTTT là tiêu chí quan trọng trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới là yếu tố và động lực cơ bản góp phần tạo nền tảng thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới vùng DTTS và miền núi. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết 88/2019/QH14 là “thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn”.