Mở hướng thoát nghèo cho người dân
Tràng Định là huyện miền núi biên giới, nên kinh tế nông nghiệp được xác định là chủ lực. Khoảng 5 năm về trước, các mô hình KTTT bắt đầu phát triển, tuy nhiên vẫn chỉ hoạt động với quy mô manh mún, nhỏ lẻ, thiếu vốn, sản phẩm ít có tính cạnh tranh ngoài thị trường…
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các mô hình KTTT phát triển, UBND huyện Tràng Định đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển mới HTX; hỗ trợ các HTX tiếp cận vốn vay, các dự án phát triển sản xuất; phối hợp hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… hỗ trợ các HTX vươn lên phát triển.
Điển hình như HTX Nông lâm nghiệp Đồng Phát, xã Chí Minh, lúc mới thành lập lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất nông nghiệp với cây trồng chủ lực là cây mía. Nhưng do thiếu vốn, thiếu liên kết, nên HTX mới trồng được 5ha mía. Năm 2019, HTX được Nhà nước hỗ trợ 700 triệu đồng, HTX đối ứng thêm gần 1,3 tỷ đồng, đã mở rộng diện tích gần 24ha mía, đem về doanh thu trên 1,7 tỷ đồng.
Bà Nông Thị Hiệu, Giám đốc HTX cho biết: Nhờ được hỗ trợ vốn, tập huấn về kỹ thuật trồng chăm sóc mía và liên kết tiêu thụ sản phẩm, đã giúp HTX mở rộng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Còn đối với HTX Nông sản sạch Tràng Định, trong năm 2019, nhờ được tỉnh hỗ trợ đầu tư máy móc, HTX đã thực hiện mô hình chuỗi khép kín trong sản xuất gạo. HTX đã đầu tư mở xưởng, sân bãi và kho để chế biến các loại gạo đặc sản, như: bao thai hồng, bao thai trắng, nếp cái ong vàng...
Ông Hoàng Văn Hải, Giám đốc HTX Nông sản sạch Tràng Định cho biết: Nhờ được hỗ trợ máy móc thiết bị, HTX đã đã mở rộng liên kết với trên 400 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại 5 xã, thị trấn gồm: Đề Thám, Hùng Sơn, Chi Lăng, Đại Đồng và thị trấn Thất Khê để cấy lúa bao thai hồng với diện tích 60ha; 30ha bao thai trắng và 10ha nếp cái ong vàng, với giá thành ổn định từ 10 - 18 nghìn đồng/kg thóc.
Đặc biệt, tháng 4/2021, sản phẩm gạo nếp cái ong vàng của HTX Nông sản sạch Tràng Định được UBND tỉnh Lạng Sơn công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, đã khẳng định giá trị thương hiệu sản phẩm của HTX.
Ông Ngọ Quang Khải, Phó Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết: "Thời gian qua, UBND huyện đã có những giải pháp thiết thực đối với mô hình KTTT, như: Hỗ trợ vật tư, trang thiết bị, giống; hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật…,góp phần thúc đẩy các HTX phát triển".
Thay đổi tư duy sản xuất
Với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của các HTX, những năm gần đây, khu vực kinh tế HTX trên địa bàn huyện Tràng Định đã có những chuyển biến rõ nét. Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, UBND huyện đã hỗ trợ một số HTX thực hiện dự án như: Nhân rộng mô hình liên kết sản xuất gạo đặc sản Tràng Định; nhân rộng mô hình trồng mía theo chuỗi liên kết tại xã Chí Minh; hỗ trợ trồng cây ăn quả tại xã Hùng Sơn; hỗ trợ mô hình HTX trồng quế ở xã Cao Minh…,với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng.
Doanh thu bình quân của các HTX trên địa bàn huyện hiện đạt trên 900 triệu đồng/năm; tạo việc làm cho khoảng 1.000 thành viên và người lao động, trong đó hơn 60% thành viên, người lao động là đồng bào dân tộc tại chỗ như Tày, Nùng, Dao, Mông, với thu nhập bình quân từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/ tháng.
Đặc biệt, sự vào cuộc của các HTX, đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất từ tự phát, manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, liên kết bao tiêu, nâng cao giá trị nông sản địa phương.
Ông Vi Văn Toán, dân tộc Nùng, ở thôn Lũng Phầy, xã Chí Minh, thành viên HTX Đồng Phát cho biết: Từ khi tham gia HTX, được tập huấn khoa học - kỹ thuật trồng mía, liên kết tiêu thụ sản phẩm nên gia đình đã có thu nhập ổn định.
Với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp chính quyền, sự vươn lên của người dân, sự góp phần không nhỏ của các HTX trên địa bàn đã giúp cho tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện Tràng Định năm 2015 từ 41,6% xuống còn 15,4% vào đầu năm 2021.
Ông Từ Trọng Hiếu, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Việc hình thành liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp, không chỉ tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, bớt nỗi lo “được mùa mất giá”, mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên HTX, cũng như các lao động tại địa phương.