Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kiến trúc Hội quán người Hoa ở Chợ Lớn

Lương Định - Ngọc Ánh - 20:27, 09/09/2021

Người Hoa di cư đến vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn (TP. Hồ Chí Minh ngày nay) vào cuối thế kỷ XVII. Tại đây, cộng đồng người Hoa đã xây dựng nên những công trình kiến trúc tôn giáo cổ kính, uy nghiêm như chùa, miếu, đền, đình (còn gọi là hội quán) làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa, tâm linh của cộng đồng dân tộc mình.

Chính điện Hội quán Tuệ Thành thuộc quận 5. TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19)
Chính điện Hội quán Tuệ Thành thuộc quận 5. TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19)

Cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn đa phần theo đạo Phật và tín ngưỡng dân gian truyền thống. Họ sống với nhau trong những đoàn thể dưới hình thức hội quán, hội tương tế, hội đồng hương để giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Chính vì thế, ngay từ khi đặt chân đến vùng Chợ Lớn (gồm quận 5, quận 6, quận 11 ngày nay), Hội “Ngũ Bang” (5 nhóm ngôn ngữ Hoa) đã xây dựng những công trình kiến trúc tôn giáo như chùa, đền, miếu, đình (thường được gọi là Hội quán) để làm nơi quy tụ sinh hoạt tâm linh, văn hóa, xã hội của cộng đồng.

Theo tư liệu lịch sử, tại TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 30 hội quán của cộng đồng người Hoa, trong đó có nhiều công trình được xây dựng cách nay khoảng hơn 200 năm, một số khác được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Hội quán của người Hoa tập trung chủ yếu ở các tuyến phố sầm uất của Chợ Lớn trên các tuyến  đường: Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Trãi, Châu Văn Liêm, Triệu Quang Phục, Trần Hưng Đạo…

Những công trình Hội quán của người Hoa ở Chợ Lớn có lối kiến trúc chữ “Tam”, đặc biệt nhất là lối kiến trúc tiêu biểu, thường gọi là “tứ hợp”, hay còn gọi “hình ấn” gồm dãy 4 nhà hợp thành chữ “khẩu”, giữa có thiên tĩnh lấy ánh sáng cho phần chánh điện và để thông thoáng nhang khói. Những công trình kiến trúc này được xây dựng theo phong cách truyền thống của từng nhóm ngôn ngữ, như: Minh Hương, Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến… Hội quán của người Hoa gốc Quảng Đông có đầu đao vuông bằng, sắc cạnh. Còn kiến trúc Hội quán của người Hoa gốc Phúc Kiến lại có đặc trưng mái hình thuyền, với hai đầu đao cong vút, tạo nên nét đẹp vừa cổ kính, trầm mặc, vừa thanh thoát cho cả tổng thể công trình.

Chính điện Minh Hương Gia Thịnh với nhiều hoành phi, câu đối được chạm khắc tinh tế
Chính điện Minh Hương Gia Thịnh với nhiều hoành phi, câu đối được chạm khắc tinh tế

Nghệ thuật trang trí những công trình kiến trúc Hội quán của người Hoa thường gặp là những mảng đề tài trang trí mỹ thuật công phu, tinh tế, với các con vật trong bộ tứ linh, long, lân, quy, phụng, tiên đồng - ngọc nữ… Lối vào tiền điện các công trình hội quán thường được trấn bởi cặp sư tử đá, được tạo hình điêu khắc rất sinh động, oai phong. Trong khuôn viên rộng lớn của các hội quán đều được trưng bày nhiều chậu cây cảnh, hòn non bộ, hồ cá phong thủy… tạo nên cảnh quan không gian yên tĩnh, trầm mặc, cổ kính ngay giữa lòng phố xá sầm uất tấp nập.

Đặc biệt, về màu sắc các công trình kiến trúc hội quán thường được sơn màu đỏ. Theo quan niệm phong thủy truyền thống của cộng đồng người Hoa, màu đỏ là màu đem lại sự may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng. Những mái ngói của hội quán được dựng thành nhiều lớp mái chồng lên nhau theo kiểu “ trùng thiềm điệp ốc”, với những hàng ngói màu xanh hay màu vàng và lợp theo kiểu âm dương rất cổ kính.

Kiến trúc Hội quán Minh Hương Gia Thịnh được gìn giữ nguyên vẹn
Kiến trúc Hội quán Minh Hương Gia Thịnh được gìn giữ nguyên vẹn

Điển hình cho phong cách kiến trúc truyền thống tiêu biểu phải kể đến Hội quán Tuệ Thành, hay còn gọi là Chùa Bà Chợ Lớn, thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu (tọa lạc tại số 710, đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5). Công trình này đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 7/1/1993. Đây là công trình kiến trúc do cộng đồng người Hoa xây dựng vào năm 1760, với cấu trúc mặt bằng dạng chữ “quốc” gồm tiền điện, trung điện và hậu điện. Trên nóc được trang trí bằng những phù điêu, hoa văn họa tiết như hoa lá, hình nhân bằng gốm sứ rất ấn tượng… Nét cổ kính, trầm mặc thể hiện rõ từ trên chóp mái, bờ đao, với lối trang trí rất đặc trưng.

Hội quán Phước An thường gọi là chùa Minh Hương, hay chùa Ông Quan Đế, tọa lạc tại số 184 đường Hồng Bàng, phường 12, quận 5 được xây dựng lần đầu vào năm 1865. Đến năm 1902, công trình được xây dựng lại với quy mô như hiện nay, với khuôn viên rộng 1.000 m2. Tuy được xây dựng muộn hơn so với Hội quán Tuệ Thành, nhưng công trình nay không hề thua kém về giá trị kiến trúc, nghệ thuật mỹ thuật trang trí hoa văn, đặc biệt là nghệ thuật chạm khắc, điêu khắc gỗ, phù điêu gốm sứ khu chính điện.

Trải qua hàng trăm năm với biết bao thăng trầm và biến cố trong lịch sử, nhưng những công trình kiến trúc Hội quán của cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn vẫn luôn được bảo tồn, trùng tu, gìn giữ nguyên vẹn những nét đẹp cổ kính… Những công trình  kiến trúc hội quán: Tuệ Thành, Phước An, Hà Chương, Ôn Lăng, Nhị Phủ, Tam Sơn, Minh Hương Gia Thạnh… đã góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng văn hóa của vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn xưa, TP. Hồ Chí Minh ngày nay.

Trước thời điểm TP. Hồ Chí Minh bùng phát dịch Covid-19, những hội quán này là những điểm nhấn thú vị để du khách tham quan, khám phá những nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn khi đặt trên đến thành phố mang tên Bác. 

Chính điện Hội quán Minh Hương Gia Thịnh
Chính điện Hội quán Minh Hương Gia Thịnh
Vào dịp cận Tết, hàng trăm đoàn lân, sư, rồng đổ về Hội quán Tuệ Thành làm lễ “khai quang điểm nhãn” xin lộc cầu may (Ảnh chụp trong thời điểm chưa có dịch Covid-19)
Vào dịp cận Tết, hàng trăm đoàn lân, sư, rồng đổ về Hội quán Tuệ Thành làm lễ “khai quang điểm nhãn” xin lộc cầu may (Ảnh chụp trong thời điểm chưa có dịch Covid-19)
Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.