Độc đáo ngôi tháp cổ
Trong dòng hồi tưởng của những bậc cao niên trong vùng, tháp Mường Luân - một trong những di tích được xếp hạng cấp quốc gia của tỉnh, sừng sững, uy nghiêm. Tương truyền vào năm 1569, triều đình Miến Ðiện (Myanmar ngày nay) đem quân tấn công nước Lào, một số người dân vùng Thượng Lào đã lánh nạn sang các tỉnh giáp biên giới Lào của Việt Nam.
Rồi khi chiến tranh Miến - Lào kết thúc, những người Lào đã định cư lại Ðiện Biên cho rằng: “Thế đất ở Mường Luân rất đẹp, giống như một người đang đứng mặt hướng về Việt Nam, tựa lưng về đất nước Lào như minh chứng cho mối tình đoàn kết của hai dân tộc Việt Nam - Lào”. Và, họ quyết định cùng nhau xây dựng một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc biệt - Tháp Mường Luân.
Tháp Mường Luân được xây dựng bằng nguyên liệu gạch, vôi, vữa, cát và mật mía, có bố cục 3 phần chính: Chân tháp, thân tháp và ngọn tháp. Chân tháp hình vuông vững chãi, cao 1m, phía ngoài cùng để hành lang rộng. Thân tháp xây hình ống vuông, đặc, phần dưới to, lên trên nhỏ dần. Toàn bộ kiến trúc của tháp cũng như trang trí hoa văn nổi bật nhất của tháp được thể hiện ở phần này. Ngọn tháp cũng được trang trí hoa văn họa tiết như phần thân tháp, nhưng được thu nhỏ để tạo vẻ thanh thoát, mềm mại cho toàn bộ bố cục của tháp. Tất cả họa tiết, hoa văn trang trí trên tháp Mường Luân đều được làm bằng đất nung màu đỏ tươi, xen lẫn màu xám trắng, xám nâu và xám đen tạo cho tháp vẻ cổ kính.
Tương truyền, sau khi xây tháp xong người xưa đã làm lễ nhập thần cho tháp. Mỗi năm, trước Tết âm lịch của người Kinh khoảng 5 ngày, thầy cúng sẽ chọn ngày tốt để làm lễ cúng thần linh. Chuẩn bị cho lễ cúng, người dân góp tiền mua 1 con trâu đực to, do thầy cúng chọn, rồi mang ra khu tháp mổ ở đó và đợi trời tối thì làm lễ.
An cư trên quê hương mới
Thuộc lưu vực của sông Mê Kông và sông Mã, huyện Ðiện Biên Ðông là địa bàn có hệ thống sông suối tương đối dày, nguồn nước dồi dào. Trong đó, sông Mã chảy qua các xã: Phình Giàng, Háng Lìa, Mường Luân, Chiềng Sơ. Các bãi bồi ven sông suối đất đai màu mỡ, thuận lợi cho con người sinh sống và trồng cấy. Vào mùa nước lên, con sông đem lại tôm cá, nước tưới và bồi đắp phù sa cho đất đai màu mỡ.
Người Lào ở đây cũng chịu khó cấy lúa, trồng bông. Người già chỉ bảo người trẻ, con cháu cách chọn bông, quay sợi, dệt những bộ thổ cẩm bền đẹp để diện trong các nghi lễ quan trọng, như Lễ Mừng cơm mới, Tết Té nước và Lễ cúng Tháp. Người Lào cùng chung sống đoàn kết, hòa thuận với các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú... Nhờ lối sống tình cảm, chân thành, mộc mạc của người Lào mà nhiều chàng trai, cô gái Thái, Khơ Mú, Xinh Mun ở Luân Giói, Chiềng Sơ đã về làm dâu, rể trong các gia đình người Lào.
Giờ đây, người Lào ở Mường Luân chiếm khoảng 30% dân số toàn xã. Chăm chỉ, lại có kinh nghiệm với nghề trồng lúa nước, trồng bông dệt vải, chài lưới trên sông, nên đời sống người Lào ở đây đều ổn định.
Chia sẻ về những đóng góp đồng bào dân tộc Lào ở Mường Luân, ông Lò Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Mường Luân cho hay: Cùng với Nhân dân các dân tộc khác, những năm qua, cộng đồng người Lào ở Mường Luân luôn chung sức thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, họ tích cực, nhiệt tình góp của, góp công trong xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa Mường Luân trở thành xã đầu tiên của huyện Ðiện Biên Ðông được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới cuối năm 2018.