PV: Xin ông cho biết về những kết quả bước đầu trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang?
Ông Danh Phúc: Chương trình MTQG 1719 là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Chương trình góp phần phát triển kinh tế - xã hội các xã, ấp đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng DTTS và phát huy nguồn lực của người dân. Qua đó, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, vùng DTTS; đời sống của người dân, nhất là đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,5-1,5%/năm....
Trong 3 năm (2021-2023) tổng nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 phân bổ cho tỉnh Kiên Giang là trên 446 tỷ đồng, thực hiện 11 Tiểu dự án thuộc 9 Dự án của Chương trình. Tuy nhiên, do các nhiệm vụ giai đoạn 2021-2023 chủ yếu tập trung vào việc xây dựng, ban hành quy định cơ chế chính sách và còn một số khó khăn nhất định nên tiến độ giải ngân vốn cho các dự án, tiểu dự án của Chương trình lũy kế đến tháng 30/6 mới đạt 10.21%.
Cũng trong giai đoạn 2021-2023, có 12/21 chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra, gồm: Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 0,4%/năm, 100% xã vùng DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã và đường liên xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% ấp, khu phố có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa, 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố, 88% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi đạt 95%, học trung học cơ sở đi học đúng độ tuổi đạt 90%; người từ 15-60 tuổi đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 88%; trên 90% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS và đặc thù vùng đồng bào DTTS; 50% ấp, khu phố có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.
Có thể nói, Chương trình đã huy động được tổng hợp các nguồn lực để thực hiện, bao gồm cả nguồn ngân sách của trung ương, của tỉnh, các tổ chức, cá nhân...tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, nâng cao đời sống người dân; hỗ trợ nhà ở, phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế...Qua đó, đã tạo được niềm tin của người dân, nhất là đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế- xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
PV: Là cơ quan tham mưu cho Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Kiên Giang, Ban Dân tộc tỉnh đã có những đề xuất gì đột phá nhằm tháo gỡ khó khăn sau ba năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn?
Ông Danh Phúc: Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang đã ban hành Công văn số 322/BDT-TTr, ngày 05/9/2022 về việc hướng dẫn quy trình giám sát, đánh giá Chương trình MTQG 1719 giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Để tổ chức thực hiện Chương trình thông suốt, hiệu quả, Ban Dân tộc thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.
Đơn cử, sau khi thành lập Ban chỉ đạo Chương trình MTQG các cấp, Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang đã tổ chức nhiều cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình; thành lập Đoàn công tác kiểm tra để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình tại các huyện Gò Quao, Kiên Lương, Hòn Đất và U Minh Thượng.
PV: Được biết, giai đoạn 2023-2025 tỉnh Kiên Giang phấn đấu thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020, để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đã có kế hoạch triển khai Chương trình MTQG 1719 như thế nào thưa ông?
Ông Danh Phúc: Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Kiên Giang phấn đấu thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020. Để đạt mục tiêu, tỉnh Kiên Giang sẽ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, các chính sách trong vùng DTTS như: Dự án hỗ trợ nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt, chuyển đổi ngành nghề và giải quyết việc làm, đào tạo nghề; chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS; chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS nghèo, đặc biệt khó khăn và các chính sách an sinh xã hội khác… theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao đời sống, giảm nghèo trong đồng bào.
Đối với chính sách giáo dục - đào tạo, thực hiện tốt việc vận động con em đồng bào đến trường đạt tỷ lệ cao ở các cấp học, hạn chế tỷ lệ bỏ học giữa chừng, triển khai tốt các chính sách về giáo dục cho học sinh DTTS theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Phối hợp thực hiện tốt chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và chính sách y tế cho đồng bào DTTS.
Thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, giải quyết kịp thời tâm tư nguyện vọng, gắn với việc chăm lo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer, nhất là các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa tạo điều kiện cho đồng bào an tâm sản xuất, cải thiện cuộc sống, nâng cao dân trí. Tranh thủ, phát huy tốt vai trò của Người có uy tín, góp phần giữ vững ổn định chính trị trong vùng đồng bào dân tộc. Tập trung giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu kiện trong đồng bào dân tộc, đảm bảo kịp thời, đúng pháp luật nhằm ổn định tình hình không để xảy ra điểm nóng.
Đặc biệt, tập trung đẩy nhanh thực hiện và giải ngân nguồn vốn được cấp. Thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương và của tỉnh về giải ngân nguồn vốn Chương trình MTQG 1719; kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ.