Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Không chủ quan với bệnh sốt rét

Đông Hưng - 15:24, 24/05/2021

Những năm gần đây, bệnh sốt rét có xu hướng giảm nhưng nguy cơ sốt rét vẫn còn cao tại các vùng có sốt rét lưu hành, đặc biệt, tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Vì vậy, ngành Y tế các địa phương và người dân vẫn phải chủ động phòng, chống bệnh sốt rét.

Phòng dịch sốt rét và sốt xuất huyết là một trong những hoạt động thường xuyên của các y, bác sĩ Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn (Bình Định). (Ảnh TL)
Phòng dịch sốt rét và sốt xuất huyết là một trong những hoạt động thường xuyên của các y, bác sĩ Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn (Bình Định). (Ảnh TL)

Cần chủ động phòng bệnh

Theo đánh giá của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn (Bình Định) thì việc chỉ đạo và phòng chống bệnh sốt rét còn gặp nhiều khó khăn do chưa kiểm soát được nhiễm bệnh ở các đối tượng nguy cơ di biến động và chưa có biện pháp bảo vệ cho những người đi rừng, ngủ rẫy và giao lưu biên giới.

Theo thống kê của ngành Y tế, trong năm 2020, cả nước có 1.733 ca bệnh sốt rét (giảm 8.713 ca so với năm 2016), trong đó có 1 trường hợp tử vong. Riêng tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên có 1.175 ca, chiếm 67% số ca của cả nước. Đối với các địa phương có bệnh sốt rét lưu hành, chính quyền các cấp, đặc biệt là ngành y tế địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch, đáp ứng nhu cầu về nguồn lực cho công tác phòng, chống và loại trừ sốt rét ở địa phương mình, không để bùng dịch và diễn biến phức tạp.

Ngành Y tế Đắk Nông cho biết, trên địa bàn tỉnh có nhiều huyện nằm trong vùng sốt rét lưu hành như: Tuy Đức, Đắk R’lấp, Đắk Mil và Cư Jút. Riêng từ năm 2020 đến nay, đã có trên 50 trường hợp mắc sốt rét, nhiều ca sốt rét nặng. Các vùng giáp ranh biên giới hay vùng rừng núi đều có diễn biến phức tạp. Để “hạ nhiệt” tình trạng này, các nhân viên y tế đã phối hợp với các già làng, Người có uy tín trong cộng đồng đến tận các thôn, buôn khảo sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến của các ca bệnh, đồng thời cấp phát màn, phun hóa chất, khoanh vùng các ổ dịch.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Krông Pa (Gia Lai) cấp phát và tẩm màn bằng hóa chất cho người dân. (Ảnh TL)
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Krông Pa (Gia Lai) cấp phát và tẩm màn bằng hóa chất cho người dân. (Ảnh TL)

Trung tâm Y tế Tuy Đức và một số huyện khác ở Đắk Nông cũng đã triển khai các biện pháp can thiệp trực tiếp. Chú trọng công tác truyền thông trực tiếp để nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống bệnh sốt rét. Thực hiện tẩm màn bằng hóa chất cho người dân, phát kem xua muỗi và tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế thôn, buôn.

Lãnh đạo Sở Y tế Bình Định cũng cho biết, song song với việc phòng, chống COVID-19, ở các vùng có sốt rét lưu hành, cán bộ y tế địa phương vẫn phải bám sát các phương án phòng, chống bệnh sốt rét. Bác sĩ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Định đánh giá: “Nếu không đầu tư nguồn lực tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống sốt rét thì dịch bệnh sốt rét có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên, trong đó có Bình Định. Ngành Y tế phải thường xuyên thực hiện công tác giám sát và phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời”.

Thay đổi ý thức

Chị Rơ Lan Chung, nhân viên y tế thôn bản ở huyện Ia H'Drai (Kon Tum) cho biết: Khó khăn nhất là thay đổi thói quen của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi nhân viên y tế chúng tôi là một tuyên truyền viên hướng dẫn cụ thể cho từng nhà, từng người cách ngủ màn, cách bôi kem chống muỗi để phòng bệnh sốt rét. Trong bối cảnh hiện nay, ngành Y tế vừa phải căng mình phòng, chống dịch COIVID-19 nhưng cũng không được lơ là với các loại dịch bệnh khác.

Tại xã biên giới Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) nơi giáp ranh với Tây Nguyên cũng là điểm nóng về sốt rét. Hàng loạt nhân viên y tế luôn thường trực tích cực hướng dẫn người dân cách phòng, chống sốt rét. Đặc biệt là tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, giữ gìn môi trường sống xung quanh sạch sẽ, ngủ giăng màn... Riêng tại Bù Gia Mập, năm 2020 xảy ra 56 ca mắc bệnh sốt rét, 4 tháng đầu năm 2021 đã ghi nhận 7 ca.

Không chủ quan với bệnh sốt rét 2
Cán bộ y tế kiểm tra mẫu test chẩn đoán nhanh bệnh sốt rét tại buôn Đrang Phốk, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk). (Ảnh TL)

Theo đề xuất của TS. Hồ Văn Hoàng, Viện trưởng Viện sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn thì, phải tăng cường công tác chỉ đạo hệ thống y tế, tổ chức phòng chống và loại trừ sốt rét tại các địa phương. Tăng cường công tác giám sát dịch tễ sốt rét, chú trọng các vùng có nguy cơ xảy ra dịch, vùng xa, vùng sâu, vùng biên giới, vùng sốt rét kháng thuốc.... Bảo đảm uống thuốc điều trị đủ ngày, đủ liều. Củng cố mạng lưới y tế cơ sở thôn bản, làm tốt công tác tuyên truyền, truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng chống và loại trừ sốt rét…