Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khơi thông dòng chảy

Thanh Huyền - 21:18, 04/02/2022

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG) đang tạo ra sức lan tỏa trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, đến các bản làng vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đặc biệt, Chương trình với nhiều điểm mới về cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư, được các cấp, các ngành và 14,2 triệu đồng bào các DTTS kỳ vọng sẽ khơi thông dòng chảy, làm thay đổi căn cơ, toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đồng bào DTTS tích cực phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo. Ảnh: Tư liệu
Đồng bào DTTS tích cực phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo. Ảnh: Tư liệu

Chuyển từ tiếp cận hỗ trợ sang đầu tư phát triển

Thực hiện chủ trương của Đảng và xuất phát từ nhu cầu bức thiết của vùng đồng bào DTTS, ngày 18/11/2019, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nhằm đưa ra một hệ thống định hướng, giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi trong giai đoạn này, đồng thời giúp cho các địa phương có cơ sở để lập kế hoạch chiến lược phát triển.

Từ quyết sách quan trọng của Quốc hội, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030: Giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025 tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg, đáp ứng niềm mong mỏi, kỳ vọng của các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp và 14,2 triệu đồng bào các DTTS.

Quyết định 1719 nêu rõ, Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 bao gồm 10 dự án thành phần. Dự kiến tổng mức vốn để thực hiện Chương trình giai đoạn này là trên 137 nghìn tỷ đồng. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn...

Trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG, có sự thay đổi so với việc triển khai các chính sách trước đây. Đó là, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS khó khăn nhất... Việc xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình được tập trung theo hướng phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh...

Có thể thấy, so với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, thì Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi có độ bao phủ rộng hơn, tác động đến toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội và có sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, người dân và toàn xã hội.

Một điểm mới khác so với chính sách dân tộc trước đây, Chương trình MTQG có sự thay đổi từ tiếp cận hỗ trợ sang tiếp cận đầu tư phát triển; xây dựng cơ chế đặc thù cho tổ chức triển khai thực hiện; đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho địa phương.

Chương trình MTQG thay đổi cách tiếp cận từ hỗ trợ sang đầu tư phát triển. Ảnh: H’Mong Village
Chương trình MTQG thay đổi cách tiếp cận từ hỗ trợ sang đầu tư phát triển. Ảnh: H’Mong Village

Đồng thuận để chính sách đi vào cuộc sống

Chương trình MTQG đang tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, đến từng bản làng vùng DTTS và miền núi. Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đã dành sự quan tâm, kiến nghị các vấn đề liên quan đến Chương trình MTQG, coi đây là Chương trình quan trọng, tạo bước đột phá cho công tác dân tộc và chính sách dân tộc giai đoạn tới.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, “Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt hơn, để các cơ quan có liên quan đẩy nhanh việc phối hợp thực hiện, nâng cao hiệu quả Chương trình MTQG, góp phần thay đổi bộ mặt vùng DTTS và miền núi; cần bố trí phân bổ cân đối giữa các nguồn vốn Trung ương và địa phương, bảo đảm tiến độ thực hiện Chương trình MTQG”.

Trong nhiều cuộc nghị sự của đất nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt đến Chương trình MTQG. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh, một trong những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và những năm tiếp theo đó là, đẩy mạnh triển khai kịp thời, hiệu quả 3 Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030...

Những ngày cuối cùng của năm 2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cũng đã ký Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Quyết định là căn cứ để lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm nguồn ngân sách Nhà nước của Chương trình MTQG cho các cấp, các ngành và đơn vị sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình MTQG đặc biệt này, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, giai đoạn này, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS đã khá đầy đủ, vấn đề còn lại là ở việc thực thi. Vì vậy, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải đảm bảo đúng đối tượng, đúng địa bàn, chính xác và khách quan. Đặc biệt, phải tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, lấy ý kiến đồng thuận từ tập thể lãnh đạo, từ địa phương, bộ, ngành và người dân.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.