Thưa ông, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình MTQG, tỉnh Tuyên Quang đã có sự chuẩn bị và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình như thế nào, thưa ông?
Ông Ma Quang Hiếu: Trước khi có Quyết định 1719/QĐ-TTg, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã có những chỉ đạo hết sức rõ ràng, chỉ đạo các khâu, các bước cho việc triển khai Chương trình MTQG, bám sát vào Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ngay từ tháng 9/2020, Ban Dân tộc đã tham mưu, phối hợp với các sở ngành, các huyện, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Dự thảo Đề án thực hiện Chương trình MTQG.
Sau gần 1 năm rà soát, đánh giá thực trạng, lập kế hoạch, đến tháng 6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã thông qua Dự thảo Đề án thực hiện Chương trình giai đoạn 1: 2021-2025, trong tổng thể giai đoạn 2021 -2030.
Trong đó, Tuyên Quang đã mạnh dạn đi trước một bước, nghĩa là chúng tôi đã ký Kế hoạch năm 2021 để xác định các đầu mục công việc, trong đó lựa chọn ba dự án là: Dự án 4, 5 và 9 liên quan đến các phần việc có đầu tư xây dựng. UBND tỉnh đã cho chủ trương ứng kinh phí địa phương, để thực hiện các phần việc chuẩn bị đầu tư xây dựng, đảm bảo kịp thời khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, cũng như tới đây, khi các văn bản hướng dẫn về tổ chức quản lý thực hiện Chương trình được chính thức ký ban hành, có hiệu lực sẽ trển khai sớm nhất, nhanh nhất có thể.
Những dự án, nội dung nào được tỉnh Tuyên Quang ưu tiên triển khai trước thưa ông?
Ông Ma Quang Hiếu: Hiện nay, Tuyên Quang đã lựa chon 3 dự án: Đó là Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, Dự án 5 đầu tư cho giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và Dự án 9, ưu tiên tập trung đầu tư cho các dân tộc có khó khăn đặc thù và dân tộc còn khó khăn.
Sở dĩ tỉnh Tuyên Quang chọn 3 dự án này, vì có phần đầu tư xây dựng, nằm trong diện được đầu tư qua khảo sát Báo cáo nghiên cứu khả thi của Ủy ban Dân tộc đã tiến hành trước đó. Đây chính là biện pháp để cắt giảm thời gian, thủ tục khi được phân bổ nguồn lực, đảm bảo tiến hành triển khai không bị chậm, có độ trễ.
Bởi theo Chương trình là bắt đầu từ 2021 đến 2030, tuy nhiên đến nay đã gần như kết thúc năm 2021, Tuyên Quang triển khai thực hiện sớm hơn một bước để chủ động trong công việc về sau.
Ông có thể chia sẻ tâm tư, kỳ vọng của đồng bào đối với việc triển khai Chương trình MTQG trên địa bàn?
Ông Ma Quang Hiếu: Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang kỳ vọng rất lớn vào Chương trình MTQG, sẽ giải quyết được những khó khăn, đáp ứng nhu cầu bức thiết nhất của đồng bào trên các lĩnh vực đời sống xã hội, đúng như chủ trương của Đảng, Nhà nước là dành sự đầu tư hỗ trợ cho nơi khó khăn nhất, nơi bức thiết nhất và người dân cần nhất. Khi đó, đời sống vật chất, tinh thần, hạ tầng cơ sở, thiết yếu xã hội, nhu cầu người dân cũng sẽ được đáp ứng. Đặc biệt, chúng tôi hướng tới mục tiêu, đến năm 2025 sẽ giảm 50% số xã ĐBKK và cơ bản đến năm 2030 không còn xã ĐBKK.
Tỉnh Tuyên Quang cũng đã đặt mục tiêu giảm nghèo theo đúng Nghị quyết Quốc hội giao là 3%/năm. Chúng tôi hy vọng, với nguồn lực từ hai Chương trình MTQG giảm nghèo và NTM, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, địa phương sẽ đảm bảo mục tiêu giảm nghèo đã đề ra.
Tỉnh Tuyên Quang có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG, thưa ông?
Ông Ma Quang Hiếu: Kế thừa, rút kinh nghiệm từ việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trước đây, Tuyên Quang sẽ áp dụng tối đa những thuận lợi, như việc Ban Dân tộc tham mưu cho UBND tỉnh hướng dẫn tạm thời thực hiện các quy trình rút gọn, đối với những công trình phân cấp cho cấp xã làm chủ đầu tư. Tỉnh sẽ linh hoạt trong thủ tục đấu thầu; tư vấn thiết kế, báo cáo kinh tế kỹ thuật; bám sát dự thảo Chương trình MTQG sẽ xây dựng hướng dẫn liên ngành, đảm bảo các nguồn vốn được tập trung cho công trình, nâng cao hiệu quả sau đầu tư và rút ngắn được thời gian...
Trân trọng cảm ơn ông!