Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc
Những năm gần đây, xã Đại Minh, huyện Yên Bình đã có một diện mạo nông thôn khá ấn tượng. Những con đường bê tông rợp sắc hoa trải dài tới tận ngõ, xóm, nhiều ngôi nhà xây khang trang, khuôn viên trang trí đẹp đẽ, thoáng mát. Không chỉ đổi thay về diện mạo, đời sống người dân xã Đại Minh hôm nay còn thực sự khởi sắc khi tập trung phát triển kinh tế, nhân rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm bưởi đặc sản.
Như gia đình ông Lê Văn Minh ở thôn Khả Lĩnh hiện có trên 500 gốc bưởi từ 10 - 70 năm tuổi với tổng diện tích gần 2ha, cho nguồn thu mỗi năm từ 250 - 300 triệu đồng. Ông Minh cho biết: "Nhờ xây dựng NTM đã giúp người dân chân lấm tay bùn như chúng tôi biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng, từ những hộ dân còn nhiều khó khăn khi bắt tay phát triển cây ăn quả có múi, đến nay, các hộ đều đã có đầu ra ổn định. Bưởi đã trở thành sản phẩm đặc sản, giúp bà con Nhân dân thôn Khả Lĩnh nói riêng và xã Đại Minh nói chung từng bước xoá đói giảm nghèo, đời sống ngày được ổn định, nâng cao”.
Anh Hoàng Văn Thực ở thôn Khuôn Giỏ là một trong những hộ gia đình DTTS mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi sang nuôi bò 3B vỗ béo. Anh cho biết: Được sự định hướng và hỗ trợ một phần con giống từ chính quyền địa phương, năm 2020 gia đình anh đã phát triển mô hình nuôi bò 3B vỗ béo mang lại thu nhập tương đối ổn định, nên kinh tế gia đình bớt khó khăn hơn trước. Từ đó, anh đã vận động và hướng dẫn kỹ thuật cho một số hộ gia đình phát triển mô hình này, đồng thời định hướng sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi trong thời gian tới, tiến tới thành lập HTX để giúp đỡ nhiều hộ có thêm thu nhập.
Ông Nguyễn Kiều Hưng – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Đại Minh cho biết: Nhận thấy địa phương có tiềm năng về phát triển cây ăn quả, trong những năm qua, cấp ủy đảng và chính quyền địa phương đã vận động, hỗ trợ người dân trên địa bàn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây bưởi vào trồng với diện tích lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó nhiều hộ đã có thu nhập khá, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hoàn thành tiêu chí về thu nhập trên địa bàn.
Từ những kết quả đạt được đã từng bước khơi dậy được sự đồng thuận của toàn thể cộng đồng dân cư nông thôn, tạo sự lan tỏa và phát huy được sức mạnh đại đoàn kết, tính chủ động, sáng tạo. Nhờ đó đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, các mô hình làm kinh tế giỏi, đặc biệt là sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi...
Tín hiệu tích cực từ những giải pháp giảm nghèo
Từ năm 2011 đến nay, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Yên Bình đã chủ động thực hiện lồng ghép các chính sách như: Hỗ trợ về phát triển sản xuất (hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế đã triển khai 138 dự án với 2.860 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia với tổng nguồn vốn thực hiện gần 19 tỷ đồng để phát triển sản xuất; dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đã triển khai 41 dự án với 324 hộ tham gia với tổng nguồn vốn thực hiện là 1,2 tỷ đồng); hỗ trợ về tín dụng ưu đãi cho 18.098 lượt hộ với số tiền cho vay gần 673 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện cho 25.580 lượt hộ với số tiền trên 15 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 957 hộ nghèo với tổng kinh phí trên 31 tỷ đồng.
Riêng năm 2023, tổng kinh phí thực hiện là 38,5 tỷ đồng, trong đó, vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là trên 16 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (hỗ trợ phát triển sản xuất) là 1,2 tỷ đồng; vốn hỗ trợ Nghị quyết 69/NQ-HĐND, Nghị quyết 05/NQ-HĐND của HĐND tỉnh là 6,9 tỷ đồng.
Kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát 9 tỷ đồng. Kinh phí xã hội hóa của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hỗ trợ 2,7 tỷ đồng. Kết quả, sau 12 năm tổng kinh phí hỗ trợ xóa đói giảm nghèo đã huy động được trên 739 tỷ đồng.
Kết quả, từ năm 2011 đến nay, toàn huyện Yên Bình đã bê tông hóa 630,3km đường giao thông nông thôn; mở mới được 32,5km đường đất; góp phần kiên cố hóa gần 90% hệ thống giao thông nông thôn, với tổng nguồn lực đầu tư gần 900 tỷ đồng; đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 95 công trình với tổng kinh phí trên 150 tỷ đồng. Hệ thống điện nông thôn thường xuyên được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Bên cạnh đó, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện đã xây mới, cải tạo nâng cấp 18 nhà văn hóa xã; 22 công trình khu thể thao xã; xây mới 4 hội trường đa năng... Dự kiến đến hết năm 2023, huyện Yên Bình có 6/22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao chiếm 27,3%. Mục tiêu đến năm 2025, huyện có 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 1 xã bảo đảm các tiêu chí NTM thông minh, huyện đạt từ 3 - 5 tiêu chí huyện NTM nâng cao.
Với quyết tâm hoàn thành mục tiêu đưa huyện Yên Bình trở thành huyện NTM trong năm 2023, ông Lã Tuấn Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: Huyện đã rà soát và xây dựng các đề án, chương trình cụ thể, phù hợp, sát với thực tế của các xã; thực hiện tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới; kết hợp việc tuyên truyền với phát động các phong trào “Ngày cuối tuần cùng dân”, “6 không, 6 sạch”, huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cùng làm với người dân...
Ông còn cho biết thêm, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các chỉ tiêu xây dựng NTM, đảm bảo cân đối được các nguồn lực, không huy động quá sức dân, tranh thủ lồng ghép các nguồn vốn; tăng cường thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản của Trung ương, của tỉnh; quan tâm phát triển sản xuất cho người dân... Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung tháo gỡ những "nút thắt” trong xây dựng nông thôn mới như tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế, môi trường…
Tính đến tháng 10/2023, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện Yên Bình còn 1.407/30.892 hộ (chiếm 4,55%), giảm 3,55% so với năm 2022; tổng số hộ cận nghèo còn 924/30.892 hộ (chiếm 2,99%), giảm 1,22% so với năm 2022; tổng số hộ nghèo đa chiều (hộ nghèo + hộ cận nghèo) còn 2.331/30.892 hộ chiếm 7,54%. Theo đánh giá bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, đến nay đã có 22/22 xã trên địa bàn huyện Yên Bình đạt tiêu chí về nghèo đa chiều.
Để có được những kết quả nói trên trong công tác giảm nghèo tại Yên Bình là nhờ sự chỉ đạo sát sao, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự sáng tạo và thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế của bà con Nhân dân. Nhờ đó, mà diện mạo nông thôn ở Yên Bình ngày càng khởi sắc, cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.