Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khởi nghiệp từ cây lê Tai Nung

Nhật Minh - 15:45, 26/07/2023

Với tư duy đổi mới, tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, chàng thanh niên dân tộc Mông Thào Seo Lìn, xã vùng cao Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã nỗ lực vượt khó, mạnh dạn khởi nghiệp từ mô hình trồng lê Tai Nung ngay trên mảnh đất quê hương.

Anh Thào Seo Lìn hướng dẫn kỹ thuật trồng lê Tai Nung
Anh Thào Seo Lìn hướng dẫn kỹ thuật trồng lê Tai Nung

Là người con của đồng bào dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên tại xã vùng cao Tả Ngài Chồ, anh Thào Seo Lìn (sinh năm 1992) luôn thấu hiểu những khó khăn, vất vả của bà con nơi đây. Theo nhận thức của anh Lìn, nếu chỉ dựa vào cây lúa, cây ngô sẽ không thể thoát khỏi cảnh đói nghèo. Thay vào đó, điều cần làm chính là phát huy vai trò tiên phong, xung kích trong việc lựa chọn mô hình phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, làm giàu trên chính mảnh đất quê mình.

Anh Thào Seo Lìn chia sẻ, diện tích đất sản xuất của gia đình anh tương đối rộng, thế nhưng nhiều đời nay vốn chỉ trồng ngô, lúa nương, ruộng thì cấy lúa nước để đảm bảo lương thực. Hơn nữa, với kỹ thuật canh tác truyền thống, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, mỗi năm sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ ngô nên hiệu quả kinh tế không cao.

Với kiến thức đã học ở nhà trường và kinh nghiệm đi tham quan, học hỏi nhiều nơi, anh quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất nông nghiệp của gia đình. Vì thế, năm 2018 anh Lìn đã từ bỏ công việc Nhà nước ổn định tại xã Bản Sen, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, trở về quê hương Tả Ngài Chồ thực hiện đam mê khởi nghiệp.

Sau thời gian nghiên cứu, tìm tòi, anh Thào Seo Lìn nhận thấy cây lê Tai Nung có tiềm năng kinh tế cao và quyết định sẽ khởi nghiệp với mô hình “trồng lê Tai Nung bằng phương pháp hữu cơ”. Đây là giống cây ôn đới, có khả năng sinh trưởng, phát triển mạnh, dễ dàng thích ứng với nhiều loại đất khác nhau. Hơn nữa là giống cây ăn quả lâu năm, trồng một lần cho chu kỳ thu hoạch từ 30 - 40 năm, tiết kiệm được nhiều công chăm sóc.

Tuy nhiên, giống cây ăn quả đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc cao hơn. Trong khi đó, kiến thức học được từ giảng đường đại học chủ yếu là lý thuyết nên để ứng dụng được, anh thường cùng vợ đến các vườn lê ở Bắc Hà và Si Ma Cai, kết nối, học hỏi từ những chủ vườn nhiều kinh nghiệm.

Từ thành công của anh Thào Seo Lìn, người dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình.
Từ thành công của anh Thào Seo Lìn, người dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình.

Ngoài ra, với vốn tiếng Trung, anh Thào Seo Lìn cũng rất chịu khó tìm tòi trên các diễn đàn, mạng xã hội, mạng internet từ Trung Quốc để học thêm kỹ thuật canh tác các loại cây ăn quả.

Anh cho biết: “Nông nghiệp tại Trung Quốc phát triển mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực cây ăn quả. Tả Ngài Chồ giáp Trung Quốc, điều kiện khí hậu cũng khá tương đồng với các vùng sản xuất của nước bạn. Tự mày mò thì tôi cũng tìm hiểu được một số kỹ thuật ứng dụng trên vườn lê của gia đình. Ví dụ như kỹ thuật để cành thấp, chỉ cao từ 1 đến 1,5 mét, tỉa thưa cành, tỉa quả sao cho hợp lý và dễ thu hoạch. Những kỹ thuật này tôi thấy khá phù hợp và hiệu quả”.

Tính đến thời điểm này, gia đình anh đã có gần 2 nghìn gốc lê với diện tích gần 3ha. Do được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, gần 1 nghìn gốc lê của nhà anh Thào Seo Lìn đã cho thu hoạch vụ đầu tiên quả nào cũng to, mã đẹp, mọng nước.

Dù thị trường tiêu thụ các loại nông sản gặp nhiều khó khăn nhưng lê của gia đình anh vẫn đều đặn nhận các đơn đặt hàng cả trong và ngoài tỉnh với giá cả thị trường giao động từ 25.000 đồng đến 50.000 đồng/kg, tùy loại quả. Mùa vụ năm đầu tiên sau khi trừ tất cả chi phí gia đình đã thu về gần 50 triệu đồng.

Ngoài phát triển cây lê, anh Thào Seo Lìn còn mạnh dạn trồng quýt, hoa anh đào với dự định vừa phát triển kinh tế gắn liền với du lịch sinh thái. Để nâng cao chất lượng cuộc sống, hằng năm gia đình anh còn chăn nuôi từ 20 đến 30 con lợn thịt, với tổng nguồn thu nhập ổn định từ 80-100 triệu đồng mỗi năm. Nhờ có thu nhập ổn định, gia đình anh đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, đời sống ngày càng được no đủ.

Bằng sự sáng tạo và khát khao lập thân, lập nghiệp, người thanh niên dân tộc Mông Thào Seo Lìn đã có những bước đi vững chắc hơn; đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế tại địa phương.

Đồi lê của gia đình anh Thèo Sèo Lìn (Ảnh Cổng TTĐT Mường Khương)
Đồi lê của gia đình anh Thèo Sèo Lìn (Ảnh Cổng TTĐT Mường Khương)

Ông Sùng Seo Sà, Chủ tịch UBND xã Tả Ngài Chồ nhận định: Thào Seo Lìn là thanh niên dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn tiên phong, góp phần không nhỏ trong việc kiến tạo nên mô hình kinh tế mới. Từ mô hình trồng lê Tai nung của gia đình Thào Seo Lìn, người dân trong xã có nơi để học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế trong những năm tới.

Chủ tịch Sùng Séo Sà cho biết thêm, 100% người dân trong xã là đồng bào Mông. Trước đây, dù bà con chăm chỉ nhưng vì chưa có kinh nghiệm kỹ thuật, chưa có vốn, giao thông đi lại khó khăn nên kinh tế chậm phát triển. Nhưng nay, được Đảng, Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ bà con kỹ thuật canh tác, cây giống, phân bón, lại được NHCSXH cho vay vốn chính sách với lãi suất ưu đãi, mức vay lên tới 100 triệu đồng/hộ, đã giúp cho bà con phát triển kinh tế, thoát nghèo nhanh hơn.

Hiện, toàn xã Tả Ngài Chồ có khoảng 200 hộ dân (chiếm ⅓ số hộ dân trong xã) vay vốn NHCSXH. Nguồn vốn góp phần đưa tốc độ giảm nghèo của xã đạt khoảng 7% - 8%/năm. Đây cũng là điểm tựa để Chủ tịch UBND xã Sùng Séo Sà vững tin phát triển mô hình "1 cây, 1 con" chủ lực là chè và lợn đen Tả Ngài Chồ. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 58% và chắc chắn sẽ giảm tối thiểu 10%/năm trong các năm tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.