Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Khơi mạch nguồn phát triển vùng đồng bào DTTS

PV - 14:44, 15/02/2023

Với quan điểm: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, nhóm DTTS khó khăn nhất, tỉnh Hà Giang đang từng bước khơi mạch nguồn phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS.

Liên hoan các Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thành phố Hà Giang góp phần gìn giữ, phát huy nghề làm bánh chưng Gù truyền thống của đồng bào Tày.
Liên hoan các Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thành phố Hà Giang góp phần gìn giữ, phát huy nghề làm bánh chưng Gù truyền thống của đồng bào Tày.

Tỉnh Hà Giang có 19 dân tộc anh em cùng chung sống với tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 87,7% cơ cấu dân số toàn tỉnh. Trong đó, dân tộc Mông chiếm tỷ lệ cao nhất (34,4%), tiếp đến là dân tộc Tày (22,5%), Dao (14,8%)... Đặc biệt, tỉnh có 5 dân tộc có khó khăn đặc thù gồm: Pà Thẻn, Lô Lô, Bố Y, Pu Péo, Cờ Lao. Xác định vùng đồng bào DTTS là một trong những khu vực trọng yếu, giữ vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo an ninh - quốc phòng. Do vậy, cùng với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh đã triển khai đồng bộ, kịp thời nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển mạnh mẽ, toàn diện vùng đồng bào DTTS.

Trong đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã, đang tập trung thực hiện 10 dự án quan trọng nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất trong vùng đồng bào DTTS, như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững. Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS; phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS...

Hiện nay, 10/10 dự án ổn định dân cư tập trung đang được triển khai tại các huyện: Vị Xuyên, Bắc Mê, Bắc Quang, Quang Bình và Xín Mần. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, du canh, du cư, di cư tự phát; giải quyết sinh kế, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố an ninh - quốc phòng vùng DTTS. 

Cam Sành được dán tem truy xuất nguồn gốc giúp đồng bào Dao xã Tiên Kiều (Bắc Quang) nâng cao giá trị sản phẩm.
Cam Sành được dán tem truy xuất nguồn gốc giúp đồng bào Dao xã Tiên Kiều (Bắc Quang) nâng cao giá trị sản phẩm

Đặc biệt, với tổng kinh phí đầu tư trên 137,7 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp, UBND tỉnh đã giao các địa phương thực hiện nhiều dự án, tiểu dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS như: Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đã giao cho cộng đồng, hộ dân với tổng diện tích trên 84.300 ha; trợ cấp gạo cho hộ nghèo tham gia trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ; hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, thúc đẩy thu hút đầu tư, khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp theo chuỗi giá trị vùng trồng dược liệu quý trong vùng đồng bào DTTS.

Ngoài ra, UBND các huyện đang triển khai thực hiện thủ tục đầu tư đối với 325 công trình đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS...

Theo đánh giá của các sở, ngành, địa phương: Những dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS đã, đang đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân; được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhờ đó, diện mạo vùng đồng bào DTTS có nhiều đổi thay tích cực. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô cứng hóa đến trung tâm xã; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia chiếm trên 45%; 100% xã, phường đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; trên 94% số hộ dân ở nông thôn được sử dụng điện; 48 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%... 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa vùng đồng bào DTTS và đô thị còn khá lớn. Theo chuẩn nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025, toàn tỉnh còn 24.409 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 37,08%, trong đó, số hộ nghèo DTTS chiếm đến 98% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Không những vậy, kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông; khả năng áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất của đồng bào các DTTS còn thấp; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung...

Từ thực tế trên, tỉnh đang tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS. Đảm bảo chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm đưa Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống; xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân; tạo đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị.

Trên cơ sở đó, rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS so với vùng phát triển; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, cải thiện rõ rệt đời sống và nâng cao sinh kế của Nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025: Toàn tỉnh có 29 xã/127 xã thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm từ 4 - 6%/năm...