Ông Cư A Phần, sinh năm 1957, dân tộc Mông, thôn Ba Khuy, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, là một người gương mẫu, trách nhiệm với gia đình và dòng họ và cộng đồng. Ông Phần chia sẻ, là Người có uy tín, để cho người dân tin và làm theo, trước tiên mình phải đi đầu trong mọi phong trào, do vậy ông đã nỗ lực vận động gia đình, dòng họ phát triển kinh tế, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới.
Ngay trong gia đình, ông đã nỗ lực, chăm chỉ lao động sản xuất để tạo ra nhiều nguồn thu nhập khác nhau, như: Trồng quế, chăn nuôi tổng hợp. Riêng nuôi trâu - bò ông thường duy trì 4 - 5 con. Ngoài ra, ông còn mạnh dạn đưa cây lê, mận vào trồng, thực hiện phủ xanh đất trống, đồi trọc; đào ao nuôi cá… có hiệu quả thì mới trao đổi, động viên bà con làm theo.
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ông Cư A Phần là tấm gương điển hình trong phong trào hiến đất. Nhận thấy người dân cần có con đường để thuận lợi cho việc giao thương, ông Phần đã hiến đất mở một con đường mới. Ông không tính toán bao nhiêu mét vuông, chỉ biết là con đường rộng 3 m, chạy dài gần 1 km đất sản xuất của gia đình.
Đặc biệt, gia đình ông đã hiến hơn 4.000 m2 đất để xây dựng lớp học cho các cháu mẫu giáo của thôn, nhờ đó mà trẻ em có cơ hội đến trường với lớp học khang trang, sạch sẽ; hiến đất xây dựng nhà văn hóa thôn (416 m2), phục vụ cho sinh hoạt và hội họp của Nhân dân trong thôn.
Ông Phần luôn dặn dò, truyền đạt cho con cháu trong dòng họ biết cách thờ cúng tổ tiên; tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn trang phục, tiếng nói dân tộc; nói không với hủ tục, mê tín dị đoan…
Với tất cả những việc làm thiết thực, ý nghĩa cho cộng đồng, ông Phần là tấm gương sáng cho mọi thành viên trong gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập noi theo. Nhờ đó, mà phong trào hiến đất làm đường, cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư diễn ra sôi nổi, đời sống vật chất và tinh thần của gia đình và người dân được nâng cao.
Từng kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo tại địa phương, sau khi nghỉ hưu, được bầu là Người có uy tín, mặc dù tuổi đã cao, ông Lưu Văn Hữu, dân tộc Sán Dìu, thôn Đại Quang, xã Ngọc Thanh, Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn hăng hái làm ruộng, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng rừng, tham gia bảo vệ hơn 80 ha rừng, nuôi cá. Theo ông, gia đình chính là một phần của xã hội, trước tiên mình cần là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế cho gia đình, cho con cháu, có tốt rồi thì người dân mới tin và làm theo.
Bên cạnh đó, ông Hữu còn tích cực vận động con cháu sử dụng tiếng mẹ đẻ trong giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày, để lớp trẻ ý thức được tầm quan trọng trong bảo tồn tiếng nói, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhờ đó, các con, các cháu của ông cơ bản biết nói tiếng Sán Dìu.
Trong những năm qua, Người có uy tín giữ vai trò nòng cốt trong đóng góp ý kiến, xây dựng các bản hương ước, quy ước liên quan đến phong tục tập quán, tín ngưỡng truyền thống như: Không thách cưới, không tảo hôn, hôn nhân cận huyết, ăn ở vệ sinh, bảo vệ nguồn nước, bài trừ hủ tục, mê tín di đoan, vận động con cháu không sinh con thứ ba…
Bên cạnh đó, Người có uy tín còn vận động và truyền dạy cho con, cháu các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, rèn đúc… Hơn nữa, Người còn uy tín còn tích cực sưu tầm, truyền dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc, làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian… cho các thế hệ con cháu.
Những Người có uy tín cao tuổi còn tích cực tham gia phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, nêu cao gương sáng việc tự học, tự rèn luyện, tích cực tham gia các hoạt động khuyến học, khuyến tài, vận động con cháu trong gia đình; tích cực vận động các gia đình có con cháu trong độ tuổi đi học đến trường…
Có thể thấy, việc phát huy vai trò của Người có uy tín trong gia đình, dòng họ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; góp phần tạo nên sự ổn định phát triển của gia đình, cộng đồng và xã hội.