Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những tấm gương tiêu biểu trong đồng bào DTTS ở Khánh Hòa

Hải Phong - 14:25, 17/11/2022

Trong những năm qua, từ các phong trào thi đua yêu nước, đã có nhiều người dân tộc thiểu số (DTTS) ở các thôn, bản vùng đồng bào DTTS ở Khánh Hòa trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống… tại địa phương.

Già Cao Lê Dân bên căn nhà mới xây của con cháu trong dòng họ.
Già Cao Lê Dân bên căn nhà mới xây của con cháu trong dòng họ.

“Cây đại thụ” ở Tà Gụ

Ở thôn Tà Gụ, xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, già làng Cao Lê Dân được người dân tôn vinh như “cây đại thụ” của buôn làng. Năm nay, đã gần 80 tuổi nhưng già Dân vẫn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Già là Người Có uy tín trong thôn, trong xã nên hễ có việc gì, từ to đến nhỏ, bà con cũng tìm đến hỏi ý kiến của già. Chuyện của mọi người, mọi nhà đều được già tư vấn, hướng dẫn, chia sẻ thấu tình hợp lý.

Già Cao Lê Dân tâm sự: “Chúng tôi đã xây dựng hương ước, quy ước của thôn rõ ràng để cùng nhau cam kết thực hiện đúng, nghiêm chỉnh quy định của pháp luật. Hàng tháng, chúng tôi cũng tổ chức họp hội đồng làng để thông báo thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; vận động người dân tham gia xóa đói giảm nghèo, cùng nhau đoàn kết, làm ăn, phát triển kinh tế. Nhờ đó, Làng Văn hóa thôn Tà Gụ ngày một phát triển ổn định, không có tệ nạn xã hội…”.

Một trong những việc làm hay của già Cao Lê Dân, được các cấp chính quyền địa phương đánh giá cao, là việc già đứng ra vận động con cháu trong gia đình góp vốn, ngày công để xây dựng nhà ở cho các hộ trong dòng họ. Tính đến nay, đã có 6 căn nhà được xây dựng bằng phương thức này, mỗi căn trị giá khoảng 200 triệu đồng. Từ cách làm của dòng họ già làng Cao Lê Dân, đến nay, nhiều dòng họ khác trong xã Sơn Hiệp cũng noi theo.

Với những đóng góp tích cực của mình, già làng Cao Lê Dân đã nhận được nhiều Bằng khen của các cấp, các ngành trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và có nhiều đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Điển hình như: Bằng khen của Ủy ban Dân tộc (năm 2020); bằng khen của Ban Dân vận Trung ương (năm 2021); Bằng khen của UBND tỉnh Khánh Hòa và Huyện ủy- UBND huyện Khánh Sơn về thành tích xuất sắc trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

“Đóa hoa thơm” của núi rừng Ba Cụm Bắc

Đó là chị Cao Thị Nương, Trưởng thôn A Thi (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn). Năm 2014, chị Cao Thị Nương mới tròn 25 tuổi, nhưng chị đã được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn A Thi. Lúc bấy giờ, chị là nữ trưởng thôn trẻ nhất của huyện Khánh Sơn.

Điểm nổi bật của chị Cao Thị Nương là sự nhiệt huyết, tận tâm với mọi người, sẵn sàng chia sẻ, lắng nghe và giúp đỡ mọi người khi cần. Để giúp bà con mình xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, chị Nương đã bàn bạc và thống nhất với bà con trong thôn phải mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế hiệu quả.

 Với quyết tâm nói đi đôi với làm, chị Nương đã đi tiên phong để bà con tin và làm theo. Theo đó, mỗi năm, thôn A Thi đã chuyển đổi được 20-25ha đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm bình quân 10%/năm.

Trưởng thôn A Thi- Cao Thị Nương chăm sóc ruộng mía tím của gia đình
Trưởng thôn A Thi- Cao Thị Nương chăm sóc ruộng mía tím của gia đình

Riêng với gia đình chị Cao Thị Nương cũng nhờ chuyển đổi các diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng mía tím, trồng cây lâm nghiệp nên đời sống cũng khá hơn trước. Hiện, chị đang tập trung chuyển đổi toàn bộ 2,5ha đất của gia đình sang trồng cây ăn quả.

Ngoài tiên phong trong công tác vận động người dân xóa đói, giảm nghèo, nữ Trưởng thôn Cao Thị Nương còn luôn đi đầu trong các phong trào tại địa phương: phòng ngừa nạn tảo hôn, bảo vệ môi trường tại khu dân cư; tham gia truyền dạy các bài biểu diễn mã la cho người trẻ trong xã; tích cực hướng dẫn chị em trong Tổ tiết kiệm vay vốn của thôn A Thi sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả…

Với sự nỗ lực tích cực của mình, năm 2017, Trưởng thôn Cao Thị Nương đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng; chị còn là đại diện duy nhất của phụ nữ tỉnh Khánh Hòa được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam biểu dương tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Già làng uy tín ở huyện Khánh Vĩnh

Nói đến ông Cao Thiên, dân tộc Raglai ở thôn Chà Liên (xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh, người dân ở đây ai cũng biết đến và luôn kính trọng. Năm nay, già làng Cao Thiên đã 72 tuổi, mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn thường xuyên tuyên truyền để bà con đồng bào DTTS nâng cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, cảnh giác trước thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động giáo dân, gây ảnh hưởng an ninh trật tự địa phương.

Ông Cao Thiên với Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trao tặng.
Ông Cao Thiên với Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trao tặng.

Nhờ vai trò tuyên truyền, vận động của già Cao Thiên mà những năm qua, trên địa bàn xã Liên Sang không có trường hợp nào vi phạm pháp luật, đồng bào sống hòa đồng, vui vẻ, hạnh phúc. Toàn xã có 425/487 đạt danh hiệu Gia đình văn hóa năm 2021. 

Không chỉ vậy, già làng Cao Thiên còn thường xuyên cùng với những già làng, trưởng thôn giao lưu văn hóa dân gian cùng thanh niên địa phương, kể cho họ nghe những câu chuyện huyền thoại về đời sống của người Raglai và biểu diễn các nhạc cụ truyền thống cho thế hệ trẻ học tập, giữ gìn bản sắc truyền thống dân tộc.

Điều khiến ông Cao Thiên trăn trở, lo lắng là trong “cơn sốt đất” ở khu vực nông thôn miền núi thời gian qua, nhiều hộ dân trong thôn, trong xã đã bán đi tư liệu sản xuất của mình. Ông đã lăn lội đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục người dân không bán đất, giữ lại đất sản xuất để cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước phát triển triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên mảnh đất quê hương. Ông cũng là người tiên phong trong cuộc vận động hiến đất làm đường giao thông nông thôn, mở đường vào khu sản xuất.

“Lúc đầu, quả thực là rất khó khăn, vì liên quan đến việc đất đang có giá trị của người dân. Hiến đất làm đường thì không có tiền. Sau này khi bà con được giải thích, có đường sẽ giúp bà con đi vào khu sản xuất thuận lợi, nâng cao thu nhập, nên các hộ trong thôn có đường đi qua đã đồng thuận hiến đất”, ông Cao Thiên cho biết.

Sống chan hòa với người dân, ông Cao Thiên đã trở thành “cánh tay nối dài” giữa các hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo với ngân hàng chính sách khi cho họ vay vốn phát triển sản xuất. Với những nỗ lực, cống hiến của mình, ông đã được Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2022.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.