Nhiều năm nay, Tiktoker, Youtuber đã trở thành nghề mang tính cạnh tranh đối với nhiều người ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp... Nguyên do chính là bởi môi trường này quá “màu mỡ” trong việc kiếm tiền, tăng thu nhập.
Không khó để bắt gặp hình ảnh trẻ em nghèo, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đám tang, bạo lực xã hội, đánh ghen, cãi nhau, đánh chửi nhau, mâu thuẫn gia đình, làng xóm… nhan nhản trên mạng xã hội. Đây là những đối tượng, sự việc mà nhiều Youtuber, Tiktoker hướng đến để thực hiện các video nhằm câu view, câu like.
Nhiều năm gần đây việc câu view, câu like bằng cách đăng tải những bài viết, video, clip giật gân với nội dung gây sốc, là khá phổ biến. Việc quay clip, livestream bất chấp, xâm phạm đời tư, đẩy nạn nhân vào tâm bão dư luận... của một bộ phận Youtuber, Tiktoker đã trở thành vấn đề nhức nhối, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.
Thu hút được một lượng lớn người theo dõi trên mạng xã hội với những video trăm ngàn, triệu view, nhiều người đã ngộ nhận thứ quyền lực ảo để rồi vô tình hay cố ý tự biến mình thành người vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, đi ngược thuần phong mỹ tục. Họ không đắn đo khi mỗi “tút” sai trái viết ra có đông người like, dẫn dắt cộng đồng mạng, tạo ra những đợt sóng thông tin. Cũng từ đó mà một số người dùng mạng xã hội vi phạm pháp luật đã bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam. Nhiều người bị xử phạt hành chính.
Tiktok, Youtube hiện nay đang là những nền tảng mạng xã hội thu hút số lượng người dùng nhất, đặc biệt là giới trẻ thông qua những video ngắn với nội dung mới lạ, hấp dẫn. Có thể thấy, những nội dung độc hại đều xuất phát từ ý định câu view, kiếm fame (danh tiếng) của một bộ phận Youtuber, Tiktoker; họ đánh vào tâm lý người trẻ thường tò mò, thích khám phá nên dễ bị cuốn vào các dạng thông tin này. Mục đích chính là trục lợi khi nền tảng này có thể hái ra tiền bằng lượt tương tác của người xem.
Bên cạnh những video với nội dung phản cảm, trên Tiktok cũng có không ít những nội dung lành mạnh, sáng tạo. Quan trọng hơn hết là đến từ nhận thức của mỗi người dùng. Cần phải đủ tỉnh táo để phân biệt giữa tốt - xấu nhằm đấu tranh loại bỏ những video mang tư tưởng độc hại.
Muốn khắc phục điều này, đòi hỏi người xem phải tự ý thức bản thân và nâng cao nhận thức trong việc lựa chọn thông tin. Đánh mạnh trong việc xử lí vi phạm, có thể phạt hành chính thật nặng, thậm chí là xóa kênh vĩnh viễn nếu nghiêm trọng.
Bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan chức năng với nhiều giải pháp pháp lý, kỹ thuật, giáo dục truyền thông để phát hiện, ngăn chặn những nội dung xấu độc, chính những người dùng mạng cũng có quyền và nghĩa vụ thực hiện điều đó. Mỗi quốc gia, mỗi khu vực đều có cách làm khác nhau để đạt mục tiêu thúc đẩy người dùng mạng xã hội triệt để sử dụng quyền của mình, để đấu tranh với các loại tin giả, tin xấu độc hay các hành vi lệch chuẩn trên nền tảng mạng xã hội.