Nhận thấy tiềm năng từ những nông sản bản địa như: Măng, chuối, mật ong, năm 2015, chị Lý Thị Quyên, một phụ nữ dân tộc Dao ở xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đã đứng ra vận động các chị em trong xã cùng thành lập hợp tác xã Thiên An để sản xuất các sản phẩm này.
Những ngày đầu khởi nghiệp, kinh nghiệm không có lại thiếu vốn, thiếu máy móc nên sản phẩm làm ra chất lượng chưa cao, sức cạnh tranh kém, không tạo được sức hút trên thị trường khiến Hợp tác xã (HTX) Thiên An của các chị gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không từ bỏ quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, sau thời gian trăn trở năm 2019, dựa trên các thế mạnh về cây dược liệu và các bài thuốc cổ truyền của người Dao tại địa phương, HTX Thiên An tập trung sản xuất cây dược liệu thành các sản phẩm hàng hóa như thuốc tắm cho người lớn, trẻ em và phụ nữ sau sinh; thuốc xoa bóp, cao gắm giúp cải thiện sức khỏe người tiêu dùng, ngoài ra, HTX cho ra đời nhiều sản phẩm khẩu trang, gối bằng thổ cẩm đẹp mắt.
Năm 2020, HTX Thiên An có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao là Phục dưỡng hoa, Mộc vượng xuân, An mộc nhi; đây là các bài thuốc cổ truyền của người dân tộc Dao tại địa phương.
Năm 2022 một số sản phẩm về thổ cẩm đạt tiêu chuẩn OCOP như: Túi thổ cẩm, bộ lót ấm chén, khăn trải bàn, tranh treo tường, gối, móc treo chìa khoá bằng thổ cẩm... trong đó nhiều sản phẩm đã đoạt giải trong Cuộc thi Thiết kế quà tặng lưu niệm do Sở Văn hoá, Thể thao và du lịch tỉnh Bắc Kạn phát động năm 2022.
Nhận thấy chuyển đổi số là chiến lược trọng tâm giúp cho HTX Thiên An mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm của doanh nghiệp. HTX Thiên An bước đầu đã quảng bá bán hàng trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube...., Bên cạnh đó, được sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp, các ngành của địa phương, HTX Thiên An đã được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số để quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm của địa phương trên trang thông tin điện tử mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Việc chuyển đổi số ở HTX Thiên An đã đạt được thành công bước đầu. HTX đã hoàn thiện được quy trình sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn, các sản phẩm của HTX đều được đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu rõ ràng, được cấp mã QRCode truy xuất nguồn gốc và ứng dụng BlockChain để kiểm định chất lượng tất cả các khâu một cách hiện đại, đem lại sự tin tưởng cao cho khách hàng. Nhờ đó, số lượng hàng hóa bán ra tăng lên đáng kể, doanh thu của HTX năm 2020 đạt 820 triệu đồng; năm 2021 đạt hơn 1 tỷ đồng; năm 2022 đạt 3 tỷ đồng, doanh thu năm 2023 ước đạt hơn 3 tỷ đồng.
Sau thời gian áp dụng chuyển đổi số, thu nhập của các thành viên HTX tăng lên, đến nay, thu nhập trung bình mỗi tháng đạt khoảng 5 triệu đồng/người/tháng (đây đều là lao động nữ là người dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn xã).
Là người tiếp cận với công nghệ số từ rất sớm, chị Thiều Thị Vân Anh ở thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định, Thanh Hóa đã phát triển thành công Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Secret Life chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dành cho mẹ và bé như: ngũ cốc, trà thảo mộc, mầm đậu nành, bột ăn dặm...
Hiện nay công ty đã có hơn 2.000 nhà phân phối và đại lý bán lẻ trong và ngoài nước với hình thức kinh doanh chủ yếu là bán hàng trên mạng internet, sàn thương mại điện tử. Doanh thu hiện tại của công ty đạt 2 - 3 tỷ đồng/tháng, trong đó trên 80% là từ các kênh bán hàng trực tuyến.
Chị Thiều Thị Vân Anh, chia sẻ: “Mình lựa chọn bán hàng online vì việc tiếp cận với các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử không mất chi phí, không bị giới hạn về khoảng cách địa lý, mình có thể tiếp cận được với đa dạng khách hàng trong tỉnh, trong nước, thậm chí là cả nước ngoài”.
Chị Vân Anh còn cho biết thêm điều quan trọng nhất để phát triển và đứng vững trên không gian mạng là chất lượng sản phẩm và biết tận dụng công nghệ số để tiếp cận khách hàng, chăm sóc khách hàng và quản lý hệ thống. Hiện nay, công ty chị đang sử dụng các phần mềm như: phần mềm gửi tin nhắn tự động để chăm sóc khách hàng, phần mềm quản lý đơn hàng, kế toán... rất tiện lợi và tiết kiệm chi phí.
Hai câu chuyện trên là minh chứng rõ nét cho thấy trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, chuyển đổi số vừa là yêu cầu tất yếu, vừa là cơ hội để các nữ doanh nhân, phụ nữ khởi nghiệp tiến nhanh, tiến xa hơn trong sản xuất, kinh doanh, giữ vững và khẳng định vị thế của mình trong tình hình mới.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đang lan tỏa tới vùng sâu, vùng xa, không chỉ giúp hội viên, phụ nữ tiếp cận thông tin mà còn thu hẹp khoảng cách vùng miền. Có thể thấy, nguồn lực hàng nông sản tại các tỉnh vùng cao là rất đa dạng, tiềm năng, nhưng việc tìm đầu ra cho sản phẩm luôn là thách thức, trở ngại lớn. Việc đưa sản phẩm lên các kênh mạng xã hội, thương mại điện tử đã mở ra hướng đi mới trong công tác giảm nghèo bền vững.