Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khi phái đẹp làm việc lớn

Như Ý - 20:44, 18/10/2023

Phát triển kinh tế từ tài nguyên địa phương đang là ưu tiên hàng đầu trong các chính sách khuyến khích khởi nghiệp ở nhiều địa phương. Đây không chỉ là cơ hội để phái đẹp khởi nghiệp, giúp bản thân và các chị em phụ nữ nâng cao thu nhập, vươn lên xóa đói giảm nghèo mà còn khẳng định tư duy, trí tuệ, bản lĩnh của người phụ nữ hiện đại.

Chị Trương Thị Bạch Thủy (thứ hai từ trái sang) - Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng
Chị Trương Thị Bạch Thủy (thứ hai từ trái sang) - Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng

Tạo việc làm cho chị em từ nghề truyền thống

Xuất thân trong gia đình thuần nông có truyền thống làm nghề đan đát, trước sự mai một của làng nghề, chị Trương Thị Bạch Thủy ở Sóc Trăng luôn trăn trở làm thế nào để có thể làm sống lại giá trị của các mặt hàng đan đát.

Nhận thấy Sóc Trăng có nguồn nhân lực dồi dào, có kinh nghiệm và tay nghề cao trong lĩnh vực đan lát thủ công mỹ nghệ, tuy nhiên người dân mới chỉ dừng lại ở mức độ đan lát theo yêu cầu chủ cơ sở sản xuất, chưa biết cách kinh doanh và phát triển làng nghề, Hợp tác xã mây tre đan Thủy Tuyết của chị Trương Thị Bạch Thủy được thành lập và bắt tay xây dựng chuỗi liên kết thu mua tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho bà con trong vùng.

Từ năm 2022, Hợp tác xã mây tre đan Thủy Tuyết chuyển cơ sở về làng nghề đan đát xã Phú Tân, huyện Châu Thành. Làng nghề đã trở nên nhộn nhịp hẳn lên, nhiều gia đình, nhất là các chị em phụ nữ, người già đã yên tâm làm những mặt hàng rổ, rá, nia, sàn, cần xé mà không cần lo lắng đến vấn đề mang đi tiêu thụ.

Bằng óc sáng tạo, sức lao động và trái tim cháy bỏng với nghề, chị Bạch Thủy không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và tham khảo qua các phương tiện thông tin đại chúng để học mẫu mã, kiểu dáng và tìm hiểu nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng nhằm tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, mang lại giá trị kinh tế cao.

Từ những thân tre, trúc bình thường, qua bàn tay chị Bạch Thủy đã trở thành sản phẩm đẹp, mang nét văn hóa truyền thống địa phương, tạo nên cảm giác thích thú cho người tiêu dùng. Với niềm yêu nghề, mong muốn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, chị Thủy đã từng bước chuyển từ việc thu mua sản phẩm từ làng nghề cho bà con sang việc hướng dẫn, gợi mở và trực tiếp chỉ dạy những cách thức làm ra sản phẩm thiên về du lịch, trang trí, nâng cao giá trị kinh tế cho bà con trong làng nghề.

Hiện tại, HTX Mây tre đan Thủy Tuyết của chị Thủy có hơn 500 mặt hàng các loại. Từ sản phẩm sinh hoạt, tiêu dùng, trang trí, du lịch đến tặng phẩm… Bên cạnh việc thu mua sản phẩm của bà con tại làng nghề, chị Thủy còn cung cấp nguyên liệu để người dân làm gia công tại nhà theo đơn đặt hàng đưa sản phẩm thủ công từ nghề đan đát ngày càng vươn xa đến nhiều địa phương và xuất khẩu ra nước ngoài.

Với lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh, HTX Mây tre đan của chị đã giải quyết việc làm ổn định cho 32 thành viên và hơn 60 hội viên phụ nữ trong làng nghề (chủ yếu là người dân tộc Khmer), góp phần khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc về làng nghề truyền thống địa phương, nâng cao giá trị nguồn tài nguyên địa phương, tăng thu nhập xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Chị Sùng Thị Sy giới thiệu các sản phẩm của HTX
Chị Sùng Thị Sy giới thiệu các sản phẩm của HTX

Nâng cao giá trị tài nguyên địa phương

Còn tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, với mong muốn đồng hành cùng chị em phụ nữ DTTS trên chặng đường vươn lên thoát nghèo bền vững, phát triển kinh tế gắn với công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, chị Sùng Thị Sy, dân tộc Mông đã quyết định thành lập HTX dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Sà Phìn A.

Do trước đây người dân nơi đây hầu như chỉ quen với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo kiểu mạnh ai nấy làm, ít quan tâm đến khái niệm liên doanh liên kết trong sản xuất để sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa. Sau khi thành lập HTX, chị Sùng Thị Sy đã cùng các thành viên sáng lập đến từng nhà chị em trong xã Sà Phìn, tìm hiểu tâm tư, động viên chị em tham gia HTX để có việc làm, có thu nhập ổn định. Các chị em được dạy nghề thêu, dệt lanh và làm các sản phẩm từ lanh trắng. Sau khóa học nghề ngắn hạn, nhiều chị em đã tự tin tham gia làm việc tại HTX và có thu nhập ổn định.

Từ chỗ trồng lanh, dệt vải theo kiểu thói quen tự nhiên, khi tham gia HTX, các chị em đã được chú trọng tập huấn, nâng cao tay nghề; chị em được phân công nhiệm vụ tùy vào khả năng, người dệt, người may, người thêu, người nhuộm... thành một chuỗi sản xuất liên hoàn, sản xuất tới đâu tiêu thụ hết đến đó.

Phát huy thương hiệu "Lanh trắng" Đồng Văn gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống như: hoa văn và các công cụ sản xuất, màu sắc, đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy việc phát triển nghề truyền thống, tạo ra sản phẩm du lịch, từ đó tạo dấu ấn đặc biệt và khó quên trong lòng du khách trong và ngoài nước.

Sản phẩm của hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A được trưng bày, giới thiệu tại Hà Nội
Sản phẩm của Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A được trưng bày, giới thiệu tại Hà Nội

Chị Sùng Thị Sy, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Sà Phìn A cho biết, các thành viên của HTX đều là những phụ nữ dân tộc, phần lớn là những nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán quay trở về tái hòa nhập cộng đồng và là hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Bình quân mỗi năm có 4 hộ gia đình của thành viên thoát nghèo, đến nay, HTX đã có 55 hộ gia đình của thành viên thoát nghèo. Thu nhập của các thành viên dao động từ 4,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Sau 5 năm hoạt động, đến nay số thành viên của HTX và thành viên liên kết là 131 thành viên, trong đó 100% thành viên là phụ nữ dân tộc thiểu số. Nhờ sự phấn đấu của các thành viên HTX đã từng bước khởi sắc và ngày một phát triển toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của thành viên được nâng lên, kết quả rõ nét nhất là đã có nhiều thành viên thoát nghèo.

Thông qua thành quả của các HTX do phụ nữ làm chủ đã góp phần gìn giữ, phát triển và nâng cao giá trị tài nguyên địa phương trên cơ sở phát huy sức mạnh nội lực, tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ. Họ là những nhân tố điển hình cho việc dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với thử thách, mạnh dạn áp dụng các mô hình phát triển kinh tế từ tài nguyên của địa phương vươn lên xóa đói giảm nghèo cho mình và cho địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.