Làm giàu từ những thứ “rẻ như cho”
Tôi bắt đầu câu chuyện này với đẳng sâm hay ba kích tím, sản vật chẳng lạ ở vùng cao miền Tây xứ Quảng. Thứ hàng hóa giản dị của đồng bào DTTS bán dọc đường với giá “rẻ như cho” ngày trước chẳng mang lại thu nhập cao cho người dân, nhưng bây giờ lại nổi tiếng, trở thành loại cây giảm nghèo.
Ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang bảo rằng, chính người dân đã “đánh thức sức sống” của những vùng đất tưởng chừng khô cằn. Nhiều mảnh vườn trở thành vùng chuyên canh cây đẳng sâm và ba kích tím. Đến vụ thu hoạch, thương lái vào thu mua tận vườn với giá không hề rẻ. Bà Briu Thị Thịnh, dân tộc Cơ Tu ở xã biên giới Ch’Ơm, huyện Tây Giang chia sẻ: “Cây đẳng sâm và ba kích tím đã đem lại cho mình thêm kinh tế, có tiền mua gạo để ăn, nuôi con ăn học. Cuộc sống đỡ vất vả hơn trước nhiều”.
Còn A Lăng Lơ, Trưởng thôn A Choong, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ch’Ơm cho biết, với việc trồng 1ha cây đẳng sâm cho thu hoạch khoảng 2 tấn sâm củ tươi, với giá trung bình 200 nghìn đồng/kg như hiện nay, sẽ thu về 400 triệu đồng, lợi gấp hơn 20 lần trồng lúa. Riêng ở xã Ch’Ơm có 100% hộ dân tham gia trồng đẳng sâm với tổng diện tích hơn 200ha, trong đó thôn Achoong chiếm gần một nửa. Từ đó, đời sống bà con Cơ Tu khá dần lên.
Người dân là chủ thể để làm du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Nhiều điểm du lịch, nhiều homestay đã thu hút hàng trăm lượt du khách trong và ngoài nước ghé thăm hằng tháng. Điều này góp phần không nhỏ vào việc thay đổi sắc diện vùng cao.”
Ông Pơloong Plênh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tây Giang
Theo lãnh đạo xã Ch’Ơm, đẳng sâm và ba kích tím đã góp phần thay đổi bộ mặt của xã và thay đổi nhận thức của người dân, góp phần phát triển kinh tế vườn, từ sản vật địa phương, mở ra cơ hội giảm nghèo bền vững cho đồng bào Cơ Tu. Có lẽ với những người dân Cơ Tu nơi này đều không nói quá, bởi sản phẩm này đã có mặt trên các kệ hàng ở 20 siêu thị Big C khu vực miền Trung và miền Nam. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ thấy sức bật của nông sản vùng cao.
Đi qua những khu tái định cư mới trên địa bàn các huyện như Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang ven đường Hồ Chí Minh của tỉnh Quảng Nam sẽ dễ nhận thấy cuộc sống của đồng bào nơi đây đang dần đổi thay, phát triển. Tại khu tái định cư của nhiều thôn làng, những ngôi nhà mới đã, đang được dựng lên, hệ thống giao thông, điện, nước sạch cũng đã được xây mới, có đất sản xuất, đồng bào tích cực phát triển sản xuất, chăn nuôi... Bài toán xóa nghèo đang có lời giải.
“Kéo” du khách về làng
Đồng bào Cơ Tu ở Quảng Nam hiện nay không chỉ thay đổi cách trồng trọt mà còn chú trọng quảng bá sản phẩm từ các ứng dụng số. Và giờ nông sản không mang đi đổi lấy gạo, thổ cẩm không đổi lấy trâu, bò nữa mà bán lấy tiền. “Cứ đưa sản phẩm lên Facebook là có người hỏi mua ngay”, chị Alăng Thị Nhôn, 41 tuổi, người Cơ Tu ở xã Ch’Ơm bày tỏ.
Còn theo chị Cor Thị Nghệ, quản lý HTX Rừng xanh rau sạch, sản phẩm của mình sạch, chất lượng đảm bảo, nên khi sử dụng, khách hàng sẽ yên tâm và quay trở lại.
Bây giờ, những mảnh vườn hoang hóa xưa kia đã được “quy hoạch” để xây dựng sản phẩm có thương hiệu. Trong mùa lễ hội hay sự kiện, nông sản hay đặc sản vùng cao luôn được giới thiệu để bán, thậm chí bán với giá cao.
Những địa phương ở miền Tây xứ Quảng đang có nhiều ý tưởng mới, ngay cả trồng rau, hoa cũng có thể làm du lịch. Những con đường mới đã được mở ra, du khách bây giờ không còn khó khăn khi đến với những làng bản để trải nghiệm với người dân vùng cao, thưởng thức đặc sản, tham quan, nghỉ dưỡng tại các homestay cùng với những loại nông sản đã trở thành đặc sản làm quà.