Hành trình đến với con chữNhiều tháng trở lại đây, mỗi buổi chiều về, vợ chồng anh Điểu Chôn lại tranh thủ làm thật nhanh công việc nương rẫy để tham gia lớp học xóa mù vào buổi tối. Về đến nhà, hai vợ chồng mỗi người một tay tranh thủ tắm rửa cho con, nấu ăn và chuẩn bị sách vở đi học. Cơm nước xong cũng là lúc màn đêm bắt đầu buông phủ lên từng mái nhà, ngọn cây.
Vì ở đầu bon nên hôm nào vợ chồng Điểu Chôn cũng đi sớm hơn rồi cứ thế gọi từng nhà, từng nhà một. Tiếng gọi nhau đi học, tiếng trả lời râm ran, vang vọng khắp các đường bon. Cứ qua mỗi nhà, vợ chồng Điểu Chôn lại gọi thêm được một người. Cứ thế đoàn người nối nhau đi học ngày càng đông hơn. Mỗi người một tập sách, một cuốn vở và cây bút trên tay nói chuyện rôm rả khắp chặng đường.
Lớp học được mở ngay tại nhà văn hóa cộng đồng của bon. Cô giáo dạy không ai khác là những giáo viên quen thuộc của Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, đóng chân trên địa bàn. Lớp học bắt đầu từ 19 giờ đến 21 giờ vào các ngày thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần. Học sinh của lớp học cũng có nhiều độ tuổi khác nhau. Người già nhất năm nay cũng đã 55 tuổi. Người trẻ nhất là 19 tuổi.
Chị Thị Xuân, người tham gia lớp học cho biết: “Ban đầu nói đi học tôi ngại lắm, ngại với bọn trẻ con trong bon vì mình già rồi còn học hành gì nữa. Nhưng rồi nghe cô giáo và trưởng bon nói nhiều nên tôi cũng đi thử xem sao. Ban đầu học thì cũng khó lắm. Tay ai cũng cứng đơ tưởng không viết được. Nhiều người còn nói đi học sao mà khó, khó hơn cả đi hái cà, cuốc cỏ, lấy măng. Thế mà giờ ai cũng đã biết đọc, biết viết. Giờ thì tôi thích đi học lắm, dù mưa tôi cũng đội áo mưa đi chứ không nghỉ là tiếc lắm!”.
Theo cô Đào Thị Nhạn, phụ trách lớp học thì ban đầu mới mở lớp cũng chỉ có khoảng gần 10 người đi học. Hầu hết người dân trong bon đều ngại đi, một phần vì đã lớn tuổi, một phần cho rằng học chữ không cần thiết. Giáo viên phải vừa dạy vừa kết hợp với trưởng bon, những người có uy tín “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động. Cùng với đó, những người đã tham gia lớp thấy đi học vừa vui vừa ý nghĩa nên dần vận động được thêm nhiều người cùng đến lớp.
Đến nay, cả bon đã vận động được 100% người không biết chữ trong bon đến lớp, với khoảng trên 20 người. Vì điều kiện thiếu thốn về mọi thứ nên việc dạy cũng tương đối vất vả. “Thế nhưng, thấy ai cũng ham học làm chúng tôi càng có động lực mang “con” chữ đến với bà con hơn, cô Nhạn cho biết thêm”.
Ánh sáng về với bon làngKhác với vẻ e ngại, xấu hổ ban đầu, giờ đây sau hơn 6 tháng học, hầu hết những học sinh trong “lớp học đặc biệt” đã trở nên tự tin, mạnh dạn hơn rất nhiều. Các tiết học trở nên sôi động với tiếng tranh luận, phát biểu, xung phong lên bảng. Tiếng đánh vần và đọc bài cũng trở nên to và rõ ràng hơn. Điều mà ai cũng cảm nhận được là những người tham gia lớp học trở nên tự tin hơn.
Chị Thị Nhào, người tham gia lớp học cho biết: Trước đây mỗi lần nói đi đâu xa tôi đều lo sợ bị lạc đường. Nhưng từ bây giờ, tôi không còn lo sợ nữa vì có thể đọc được hướng dẫn đường đi. Các biển báo hay các khẩu hiệu treo trước bon, thông báo ở xã giờ tôi đều có thể đọc được nên biết thêm rất nhiều thứ.
Còn đối với Điểu Chôn thì việc biết được “con” chữ đồng nghĩa với việc anh có thể tự tay viết giấy khai sinh cho con của mình. Anh Vũ Đức Bình, cán bộ tư pháp xã Quảng Tín đã thể hiện rõ sự bất ngờ khi Điểu Chôn tự tay ghi tờ khai và ký tên. Anh Bình cho biết: Trước đây mỗi lần Điểu Chôn và nhiều người khác trong bon lên giao dịch, chúng tôi đều phải chuẩn bị một hộp đóng dấu để vân tay và phải đọc nội dung văn bản cho nghe sau đó là cầm tay điểm chỉ. Chỉ sau mấy tháng mà nay anh ấy đã tự ghi tờ khai và tự ký, ghi rõ được họ tên của mình.
Thấy anh Bình nói vậy, Điểu Chôn cười, phân bua: “Là nhờ học lớp xóa mù đấy cán bộ Bình à”. Điểu Chôn còn tâm sự thêm: “Chữ đầu tiên mà tôi tập viết đó chính là tên của mình. Cảm giác khi tự tay viết được tên mình sướng lắm. Bây giờ tôi có thể đọc được tất cả các loại sách, báo nên biết thêm nhiều thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng. Mấy quyển sách tập huấn về khuyến nông lâu nay không có tác dụng với tôi, nhưng giờ đều được tôi đọc kỹ từng chữ để áp dụng làm theo”.
Theo ông Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tín, những năm trước đây địa phương cũng đã được quan tâm mở một số lớp xóa mù ở các thôn, bon. Sau lớp học tại bon Bù Đách hiện nay thì toàn xã đã cơ bản hoàn thành được mục tiêu xóa mù chữ. Nhờ đó, việc tuyên truyền người dân thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước sẽ thuận lợi hơn. Điều quan trọng hơn là từ biết chữ sẽ giúp bà con nâng cao dân trí, dần tiếp cận được việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi. Đây cũng sẽ là động lực để giúp bà con từng bước thoát nghèo.
BAN MAI