Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khi bản sắc văn hóa “đẻ” ra tiền

Văn Hoa - 18:44, 06/05/2021

Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến với bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) ngày càng tăng, đem đến nguồn thu nhập lớn cho người dân địa phương. Để đạt được kết quả đó, chính quyền địa phương và người dân đề cao việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, một trong những yếu tố then chốt để thu hút khách du lịch...

Một buổi truyền dạy về ẩm thực dân tộc cho thế hệ trẻ tại bản Sà Rèn
Một buổi truyền dạy về ẩm thực dân tộc cho thế hệ trẻ tại bản Sà Rèn

Đến bản Sà Rèn khi lúa đang thì đổ đòng, chúng tôi có ấn tượng đặc biệt, bởi Sà Rèn còn giữ được nhiều ngôi nhà sàn truyền thống lâu đời; những hàng tre dọc con suối Thia trong vắt; các cô gái Thái duyên dáng trong bộ áo váy truyền thống đi trên con đường bê tông sạch đẹp, len lỏi giữa cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay… Sà Rèn yên bình, trong trẻo giữa cái nôi của của nền văn hóa Thái đặc sắc, là điểm hấp dẫn mỗi du khách khi đến Nghĩa Lộ.

Tiếp chúng tôi tại ngôi nhà sàn kinh doanh dịch vụ Homestay của gia đình, bà Hoàng Thị Loan phấn khởi chia sẻ: Từ năm 2014, khi có chủ trương của tỉnh về xây dựng mô hình du lịch điểm, được hỗ trợ 20 triệu đồng, gia đình bà đã cải tạo ngôi nhà sàn của mình để đón khách. Những năm gần đây, khi chưa có dịch Covid -19, trung bình mỗi năm gia đình đón khoảng 1.300 lượt khách, cho thu nhập từ dịch vụ nghỉ trên 100 triệu đồng; chưa kể thu từ dịch vụ cho thuê xe đạp, ăn uống, các chương trình văn hóa, văn nghệ. Từ các hoạt động kinh doanh du lịch, mô hình của gia đình bà Loan còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 người dân địa phương.

Lãnh đạo xã Nghĩa Lợi tham quan lớp dạy chữ Thái cho cho thế hệ trẻ
Lãnh đạo xã Nghĩa Lợi tham quan lớp dạy chữ Thái cho cho thế hệ trẻ

Bà Điêu Thị Vân, Bí thư Chi bộ bản Sà Rèn thông tin: Bản có 99 hộ dân, 407 nhân khẩu, hơn 90% là người Thái. Từ khi chủ trương phát triển du lịch, bản có 9 hộ đăng ký làm dịch vụ Homestay, gần đây thêm 5 hộ. 

Việc phát triển du lịch cộng đồng, giúp người dân có thêm việc làm và tăng nguồn thu nhập, có những hộ gia đình có nguồn thu cả trăm triệu đồng mỗi năm. Chính từ việc giữ gìn và khai thác bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc đã giúp người dân Sà Rèn có được thành công đó.

Minh chứng như, người dân Sà Rèn duy trì mặc những bộ trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày; giữ gìn những nếp nhà sàn truyền thống; tổ chức sinh hoạt, biểu diễn văn hóa- văn nghệ cho khách tham quan du lịch; thể hiện những món ăn truyền thống đến với du khách… mang đậm bản sắc văn hóa Thái và sắc màu người vùng cao Tây Bắc.

Bí thư Chi bộ bản Sà Rèn cũng cho biết thêm, từ những mô hình Homestay hiệu quả, người dân dần nhận thức được tầm quan trọng trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc. Nhiều gia đình đã xây dựng nhà cấp 4 khang trang, thì đập bỏ dựng lại nhà sàn truyền thống. Mặc dù xây dựng nhà sàn bằng vật liệu mới (bê tông, cốt thép), nhưng vẫn tuân thủ theo lối kiến trúc nhà sàn truyền thống dân tộc Thái. Bản đang phấn đấu trong thời gian tới, 100% các hộ đều có nhà sàn truyền thống.

Đường vào bản văn hoá - du lịch Sà Rèn
Đường vào bản văn hoá - du lịch Sà Rèn

Hiện, Sà Rèn có 2 đội văn nghệ, một đội của Hội Người cao tuổi thường xuyên tập luyện, truyền dạy các tiết mục văn nghệ truyền thống cho thế hệ trẻ; một đội là của Hội Phụ nữ chuyên biểu diễn phục vụ khách du lịch. Các tiết mục văn nghệ đậm chất văn hóa dân tộc Thái và Khơ Mú.

Sà Rèn có cả một kho tàng ẩm thực đặc sắc, với nhiều món ngon, đặc trưng nơi núi rừng Tây Bắc. Mùa nào thức ấy, từ thịt trâu, lợn, gà, các loại rau rừng, côn trùng như: Dế mèn, ve… qua bàn tay khéo léo và chế biến cầu kỳ đã trở thành những món ngon, đặc sản khiến du khách khó quên.

Cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái và Phòng Dân tộc thị xã Nghĩa Lộ thăm mô hình Homstay tại gia đình bà Hoàng Thị Loan, bản Sà Rèn
Cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái và Phòng Dân tộc thị xã Nghĩa Lộ thăm mô hình Homestay tại gia đình bà Hoàng Thị Loan, bản Sà Rèn

Ông Lường Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi cho biết: Những năm 2018, 2019, mỗi năm Nghĩa Lợi đón hơn 30 nghìn lượt khách đến với bản Sà Rèn, trong đó có nhiều khách quốc tế. Năm 2020, do đại dịch Covid-19 nên khách đến Nghĩa Lợi khoảng 10 nghìn lượt, chủ yếu là khách nội địa. Năm nay, xã đang phấn đấu đạt 15 nghìn lượt khách. 

“Chính nền văn hóa truyền thống đặc sắc từ ẩm thực, trang phục, nhà ở, các loại hình nghệ thuật; không gian môi trường trong lành, con người dân tộc Thái thân thiện, mến khách… đã giúp người dân xã Nghĩa Lợi nói chung, bản Sà Rèn nói riêng thành công trong phát triển du lịch cộng đồng, tăng thêm thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống”, ông Lường Văn Hà nhận định.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.