Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Homestay-Hội nhập để phát triển

Hồng Minh - 10:20, 10/02/2021

Du lịch cộng đồng (DLCĐ) đang là loại hình du lịch phát triển nhanh chóng ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, để các làng du lịch cộng đồng vừa đáp ứng yêu cầu hội nhập, vừa giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, phụ thuộc rất nhiều vào sự năng động, sáng tạo của người trong cuộc…

Khách du lịch quốc tế trải nghiệm các hoạt động văn hóa tại các LVHDLCĐ ở Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.
Khách du lịch quốc tế trải nghiệm các hoạt động văn hóa tại các LVHDLCĐ ở Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

Lấy giá trị truyền thống làm cốt lõi

Những ngôi nhà trình tường lấp ló sau cành hoa đào, hoa lê cùng sự niềm nở, nồng hậu đón khách của người dân đã giữ chân du khách mỗi dịp ghé thăm làng. Đó là khung cảnh ở Làng Văn hóa du lịch cộng đồng (LVHDLCĐ) Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ (Hà Giang), một địa chỉ dừng chân lý thú của du khách, đặc biệt là khách quốc tế khi đến với Cao nguyên đá Đồng Văn.

Hiện cả thôn có 27 hộ kinh doanh Homestay, nhưng chỉ có 10 hộ là thường xuyên có khách. Đây cũng là 10 hộ mở Homestay từ 6 - 7 năm trước, khi thôn Nặm Đăm bắt đầu phát triển DLCĐ.

Tới thăm Homestay của anh Lý Tà Đành, Trưởng thôn Nặm Đăm, anh chia sẻ: “Để phát triển hiệu quả mô hình du lịch, các thành viên trong gia đình luôn ý thức giữ gìn nếp nhà truyền thống, kiến trúc nhà sàn, phong tục, tập quán của dân tộc Dao. Đồng thời, kết hợp hài hòa ẩm thực truyền thống với những món ăn mang phong cách hiện đại, phù hợp khẩu vị của du khách, nhất là khách du lịch nước ngoài”.

Dẫn chúng tôi đi thăm rừng thông, một địa điểm chụp ảnh nhìn ra Cao nguyên đá Đồng Văn, anh chỉ vào một dãy Bungalow (nhà gỗ) gần đấy cho biết, đây là Homestay do bố và em trai anh quản lý. “Nếu như Homestay của tôi và hầu hết các Homestay khác hướng vào phân khúc bình dân, với giá nghỉ qua đêm chỉ 120.000 đồng/người/đêm, thì dãy nhà mới xây này có giá 650.000 đồng/đêm cho 1 căn Bungalow. Người dân thôn Nặm Đăm đang dần nâng cao giá trị sản phẩm du lịch ở nơi đây”, anh Đàng chia sẻ.

Không chỉ phụ thuộc vào sự quảng bá của chính quyền địa phương, các hộ kinh doanh Homestay cũng bắt đầu tự quảng bá trên các trang đặt phòng quốc tế như, booking.com và agoda.com (các trang mạng đặt phòng trực tuyến). Nhờ vậy, khách du lịch nước ngoài, khách du lịch tự do có thể biết và tìm đến Nặm Đăm.“Phải dùng Internet thì mới tìm được khách chứ. Giờ nhà nào ở đây cũng làm vậy cả”, anh Đành cười nói.

Với sự thích ứng kịp thời đó, LVHDLCĐ Nặm Đăm đã được ghi nhận qua nhiều giải thưởng quốc tế, tiêu biểu như danh hiệu “Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê đạt tiêu chuẩn ASEAN”…

 Homestay của gia đình anh Lý Tà Đành đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài.
Homestay của gia đình anh Lý Tà Đành đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài.

Hội nhập để phát triển

Là cơ sở mới hoạt động mô hình DLCĐ vài năm trở lại đây, nhưng huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đang dần khẳng định được lợi thế “đi tắt đón đầu” trong mô hình này. Với 180 hộ gia đình tham gia vào hoạt động DLCĐ tại 4 xóm thuộc huyện Đà Bắc, DLCĐ đã làm thay đổi tư duy làm kinh tế của người dân nơi đây. Với 80% khách lưu trú là người nước ngoài, các hộ gia đình làm DLCĐ đang dần tích lũy được kỹ năng, kinh nghiệm trong phục vụ khách.

Chị Đinh Thị Hảo, Giám đốc Công ty CP Đà Bắc CBT cho biết: “Tuy hoạt động DLCĐ tại Đà Bắc mới phát triển, nhưng người dân ở đây rất chuyên nghiệp. Với lượng khách nước ngoài là chủ yếu, các hộ gia đình đã biết chế biến món ăn theo đúng khẩu vị như: Có những món ăn chay, chế biến đồ ăn mềm, có nhiều xào… Từ những việc nhỏ đó để thấy được sự chuyên nghiệp của người dân, hoàn toàn đáp ứng được với nhu cầu cầu khách quốc tế”.

Có thể thấy, DLCĐ tại Việt Nam xuất hiện từ những năm 1990 tại một số tỉnh như Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Nam… Đến nay, nhiều địa phương đã quan tâm đầu tư, khai thác, qua đó góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế đến với khu vực nông thôn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa, tạo việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Giai đoạn 2015 - 2020 DLCĐ phát triển sôi động và thu hút sự quan tâm ở rất nhiều địa phương. Các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển DLCĐ đã được Đảng, Nhà nước ban hành. Bên cạnh đó ngành Du lịch cũng đã ban hành tiêu chuẩn làm căn cứ cho việc quản lý, định hướng nâng cao chất lượng cho loại hình DLCĐ như: Tiêu chuẩn quốc gia nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê TCVN 7800:2009 được ban hành năm 2009 và điều chỉnh, bổ sung năm 2017.

Trong xu hướng hội nhập, nhiều LVHDLCĐ đã và đang thay đổi, tự trang bị cho mình những kỹ năng để đáp ứng được với nhiều đối tượng khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế - đối tượng khách trọng tâm của loại hình du lịch này.

Tin rằng, trong tương lai những LVHDLCĐ không chỉ là nơi bảo tồn văn hóa dân tộc, sinh kế của người dân mà sẽ trở thành những khu nghỉ dưỡng sang trọng, đẳng cấp giữa những bản làng thanh bình./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.