Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chuyện người Tày làm Homestay

Nguyễn Hưởng - 10:39, 08/06/2020

Mô hình du lịch cộng đồng (Homestay) kết hợp sinh thái tại xã An Lạc, huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã bước đầu được hình thành và nhiều người biết đến. Một trong những người đầu tiên tiếp cận và xây dựng mô hình này là anh Vũ Ngọc Huân (44 tuổi) dân tộc Tày, Bí thư Chi bộ thôn Nà Ó, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Du lịch cộng đồng An Lạc.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Du lịch cộng đồng An Lạc Vũ Ngọc Huân (ngoài cùng bên phải) tham gia tổ văn nghệ biểu diễn phục vụ du khách
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Du lịch cộng đồng An Lạc Vũ Ngọc Huân (ngoài cùng bên phải) tham gia tổ văn nghệ biểu diễn phục vụ du khách

Dám nghĩ, dám làm

Hơn chục năm về trước, đồng bào dân tộc Tày ở xã An Lạc chưa hề biết đến Homestay, mặc dù thỉnh thoảng có những đoàn khách nước ngoài đến lưu trú, ăn ở, sinh hoạt, lao động sản xuất cùng bà con. Hiện nay, người dân đã đầu tư phòng ở, có thể làm dịch vụ nấu ăn, hướng dẫn viên, tổ chức chương trình văn nghệ phục vụ khách thăm quan. 

Nhận thấy những tiềm năng, lợi ích từ “ngành công nghiệp không khói”, gia đình anh Vũ Ngọc Huân đã tiên phong cải tạo, nâng cấp nhà ở, vườn tược, công trình phụ để làm dịch vụ lưu trú, ẩm thực cho du khách. Xác định du lịch cộng đồng phải toàn dân cùng tham gia, anh Huân đã động viên, hỗ trợ các hộ xung quanh cùng đầu tư cơ sở vật chất, chuyển khu chăn nuôi cách xa chỗ ở để đáp ứng nhu cầu của khách. 

“Được tham gia các lớp tập huấn du lịch ở nhiều nơi như: Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Nam Định, Phú Thọ, Sơn La... thấy những nơi đó làm du lịch rất thành công, trong khi tiềm năng ở An Lạc chẳng thua kém gì nên năm 2014, tôi quyết định đứng ra thành lập HTX Dịch vụ Du lịch cộng đồng An Lạc với 7 thành viên, mỗi thành viên phụ trách một tổ dịch vụ có hàng chục người dân tộc Tày tham gia”, anh Huân chia sẻ. 

Là Giám đốc HTX nhưng mỗi ngày anh vẫn tự đi bộ xuyên rừng cùng các thành viên tham gia quản lý khu du lịch, bảo vệ rừng, thậm chí sẵn sàng đi hái rau rừng, xắn quần lội suối bắt cá chuẩn bị cơm nước hay tham gia biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách. 

Anh Huân cho biết: Từ năm 2010, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang phối hợp cùng tổ chức phi chính phủ GTV (Italia) tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho người dân An Lạc, như: Nấu ăn, hướng dẫn viên, biểu diễn văn nghệ, nuôi ong, làm thuốc Nam, vệ sinh môi trường, y tế hay tìm hiểu văn hóa quốc tế… Sau đó, ngành Văn hóa tỉnh tiếp tục hỗ trợ bảo tồn văn hóa, trang bị chăn, ga, gối, đệm, Tivi, tăng âm loa đài, xây nhà vệ sinh khép kín cho các hộ làm du lịch. Từ đó nhiều tổ chức, doanh nghiệp giới thiệu và đưa khách đến Khe Rỗ... qua đó mang lại thu nhập đáng kể cho đồng bào. 

Khơi dậy tiềm năng

Theo anh Huân, thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn bởi du lịch Homestay là phải cả cộng đồng cùng làm, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, cảnh quan và nhất là sự thân thiện của con người, cộng thêm các phong tục tập quán đậm đà bản sắc... Ban đầu có 3 hộ làm Homestay nhưng đều lo lắng vì đầu tư số tiền không nhỏ (gần 100 triệu đồng). Họ băn khoăn rằng liệu có khách đến lưu trú hay không? Hơn nữa đồng bào đều là DTTS, vốn quen sinh sống gần rừng, trong khi khách du lịch lại ở thành phố, là người nước ngoài nên thường đưa ra yêu cầu dịch vụ rất cao, nhất là trong văn hóa ẩm thực, điệu kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm và còn trở ngại ngôn ngữ...

Không lùi bước, anh Huân động viên các thành viên HTX nâng cấp nhà ở với suy nghĩ trước tiên là cải thiện điều kiện sống của chính gia đình mình, sau rồi làm du lịch. Các thành viên tích cực tự học hỏi, tham gia các khóa tập huấn do ngành chuyên môn tổ chức. Đến nay, Nà Ó có 5 hộ (đều dân tộc Tày) có cơ sở vật chất đạt chuẩn và có thể tiếp đón đoàn du khách lên đến hơn 50 người. Đặc biệt, ngoài căn nhà đang ở của gia đình, năm ngoái vợ chồng anh Huân đầu tư một nhà sàn truyền thống trên khu đất rộng với trị giá khoảng 1,8 tỷ đồng, trang bị đầy đủ tiện nghi phục vụ du khách ăn nghỉ. Những năm qua, gia đình anh Huân và các hộ ở Nà Ó đón tiếp hàng chục đoàn khách trong và ngoài nước, mỗi đoàn ở lại 7 - 10 ngày. 

 Không những làm Homestay, HTX An Lạc còn tổ chức quản lý khách ra vào, trông giữ xe, thu dọn vệ sinh môi trường, cung cấp sản vật địa phương, hướng dẫn, hỗ trợ du khách đến Khu du lịch sinh thái Khe Rỗ bảo đảm an toàn. Các hoạt động này đã mang lại thu nhập cho thành viên HTX trung bình khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng. HTX cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền, lực lượng Kiểm lâm tuyên truyền đến người dân, du khách nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên rừng. “Giữ được rừng thì còn du lịch, mất rừng du lịch cũng chẳng còn”, Giám đốc Vũ Ngọc Huân khẳng định.

Dù tiềm năng lớn, nhưng anh Huân thừa nhận du lịch Khe Rỗ còn nhiều hạn chế, nhất là hạ tầng, dịch vụ, trong khi HTX chưa đủ sức để khơi dậy hết thế mạnh. Làm gì để thu hút các nhà đầu tư đủ tầm, đủ tiềm lực để tạo sức bật cho du lịch nơi đây vẫn là mong ước cháy bỏng của Giám đốc HTX trẻ bấy lâu nay.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.