Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng ở Bắc Giang

Kim Sa - 16:41, 16/03/2021

Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã quan tâm chỉ đạo, định hướng, tạo thuận lợi để người dân, doanh nghiệp khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch cộng đồng (DLCĐ). Hiện tại, một số địa phương đã hình thành mô hình DLCĐ thu hút du khách, góp phần quảng bá vùng đất, con người,nét đẹp văn hóa của Bắc Giang, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Du khách trải nghiệm tại bản Ven (Yên Thế)
Du khách tham quan, trải nghiệm tại bản Ven (huyện Yên Thế)

Hỗ trợ để phát triển

Từ năm 2012 đến nay, một số điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã nhận được ưu đãi, hỗ trợ về kinh phí thông qua Đề án “Phát triển DLCĐ giai đoạn 2014- 2020” của tỉnh. Các hình thức hỗ trợ tập trung vào làm đường giao thông, điện, xây nhà sàn văn hóa, lắp đặt biển chỉ dẫn; khảo sát, tham quan học tập kinh nghiệm; tập huấn nghiệp vụ lễ tân, thuyết minh; khai thác giá trị văn hóa ẩm thực; truyền dạy dân ca, dân vũ... Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng các loại cây, con đặc sản và thu hoạch, chế biến thảo dược; vận động, khuyến khích bà con cải tạo lại nhà ở…

Ngoài hỗ trợ của tỉnh, các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế cũng xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển DLCĐ tại địa phương. Tại Sơn Động, ngoài Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ DLCĐ An Lạc, huyện đang thành lập thêm HTX DLCĐ tại thôn Nà Hin (xã Vân Sơn).

Tháng 10/2020, UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục có kế hoạch hỗ trợ phát triển DLCĐ giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kinh phí đầu tư trên 21 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này dành để thực hiện một số nhiệm vụ như: Thuê đơn vị tư vấn xây dựng điểm DLCĐ; hướng dẫn, tập huấn kỹ năng giao tiếp, chế biến món ăn; quy hoạch các điểm tham quan, vui chơi giải trí phù hợp. Hỗ trợ người dân cải tạo nâng cấp nhà ở, mua sắm một số đồ dùng, thiết bị phục vụ DLCĐ; thiết kế chương trình tham quan, trải nghiệm qua các hoạt động sản xuất, chế biến nông sản cho du khách...

Khách nước ngoài xem biểu diễn hát then, đàn tính tại điểm DLCĐ thôn Nà Ó, xã An Lạc, huyện Sơn Động
Khách nước ngoài xem biểu diễn hát then, đàn tính tại điểm DLCĐ thôn Nà Ó, xã An Lạc, huyện Sơn Động

Từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp

Từ sự hỗ trợ của địa phương, một số hộ dân nằm trong Đề án phát triển DLCĐ đã xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp dịch vụ DLCĐ, bước đầu phát triển DLCĐ, thu được hiệu quả rõ rệt.

Đơn cử như thôn Nà Ó, xã An Lạc (Sơn Động) nằm bên rừng nguyên sinh Khe Rỗ với phong cảnh núi non, suối nước đẹp. Thôn có hơn 50 hộ thuộc dân tộc Tày, Nùng với những nếp nhà sàn, nhà đất ngả màu nâu cổ kính, thơ mộng.

Nhận thấy Nà Ó có tiềm năng lớn để phát triển DLCĐ, một số tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà sàn văn hóa, tổ chức tập huấn làm DLCĐ; thành lập các tổ dịch vụ văn hóa ẩm thực, hướng dẫn viên, biểu diễn văn nghệ, nuôi ong, làm thuốc nam, vệ sinh môi trường, dịch vụ bán hàng lưu niệm... cho bà con. Một số hộ tham gia học tập kinh nghiệm ở các tỉnh để làm quen với mô hình Homestay.

Hiện, thôn Nà Ó có 5 hộ (đều là dân tộc Tày) xây dựng cơ sở vật chất, trang bị vật dụng sinh hoạt đạt chuẩn, có thể tiếp đón gần 100 lượt khách/ngày, đêm. Năm 2019, thôn Nà Ó đón hơn 18 nghìn lượt khách, trong đó khách lưu trú hơn 2 nghìn lượt. Khách nước ngoài chủ yếu đến từ Pháp, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản... được các công ty lữ hành kết nối đưa đến. Tham quan trải nghiệm tại đây, mỗi khách chỉ phải trả chi phí lưu trú 80 nghìn đồng/ngày, đêm và 100 nghìn đồng/bữa ăn. Ngoài ra, kinh phí thưởng thức chương trình văn nghệ 800 nghìn đồng/đoàn; chi phí thuyết minh, dẫn đường tham quan rừng Khe Rỗ 200 nghìn đồng/lượt/đoàn.

Nơi bày bán thuốc nam đồng bào dân tộc tại bản Ven (Yên Thế)
Nơi bày bán thuốc nam phục vụ khách du lịch của đồng bào dân tộc thiểu số tại bản Ven (huyện Yên Thế)

Từ các dịch vụ này đã mang lại thu nhập cho các thành viên HTX Dịch vụ DLCĐ An Lạc hàng chục triệu đồng mỗi năm. Riêng gia đình anh Huân - một trong những hộ dân kinh doanh Homestay bài bản nhất tại thôn Nà Ó có thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên lượng khách ngoại quốc đến Nà Ó giảm đi so với những năm trước. Tuy nhiên, Nà Ó vẫn đón nhiều đoàn khách trong nước đến tham quan, trải nghiệm DLCĐ.

Ông Dương Minh Bình, Chủ tịch Công ty Tư vấn dịch vụ và phát triển du lịch CBT (TP. Hồ Chí Minh), một chuyên gia hàng đầu về DLCĐ tại Việt Nam đánh giá, Bắc Giang xuất hiện DLCĐ sớm hơn so với nhiều địa phương trong nước nhưng tiếc là đến nay lại phát triển sau, trong khi tỉnh có nhiều lợi thế. Để phát triển DLCĐ, địa phương này phải nâng cao tính chuyên nghiệp, lấy người dân làm chủ thể trong cải tạo, hướng dẫn xây dựng các dịch vụ ăn, nghỉ bảo đảm sự mộc mạc, chân quê nhưng phải an toàn vệ sinh, chất lượng… Bên cạnh đó, cần gìn giữ không gian cảnh quan bản làng sạch đẹp, mang bản sắc riêng để tạo sự thu hút đối với du khách trải nghiệm.  

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.