Chật vật mưu sinh
Người Đan Lai (nhóm địa phương thuộc dân tộc Thổ) ở Con Cuông một thời sống biệt lập trong rừng thẳm, với nhiều tập tục lạc hậu. Cho đến năm 1979, một dự án di dời người dân Đan Lai ra khỏi rừng, ở xen kẽ với các dân tộc khác được chính quyền địa phương triển khai. Dự án được phê duyệt với kinh phí gần 20 tỷ đồng, nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống tại bản Châu Sơn gần trung tâm xã Châu Khê, ngay cạnh Quốc lộ 7A. Đây được xem như là một “cuộc cách mạng”, một nỗ lực lớn của Đảng và Nhà nước để thay đổi cuộc sống của hàng chục hộ dân Đan Lai ở nơi thâm sơn cùng cốc này.
Cuộc sống ở bản mới được đánh giá là tốt hơn nhiều nơi ở cũ, nhưng vì thiếu đất sản xuất, cùng với tập quán và thói quen canh tác ở nơi mới không phù hợp, nên nhiều hộ dân sau đó đã tìm cách quay về bản cũ để sinh sống và sản xuất. “Ra đó không chịu được, ở trong rừng này quen rồi, dễ kiếm cái ăn hơn”, ông La Văn Tính nói về lý do người dân nằng nặc quay trở lại chốn cũ.
Trở lại nơi ở cũ, đồng nghĩa với việc hàng chục hộ dân Đan Lai tiếp tục đối mặt với đói nghèo, khốn khó. Chỉ tính riêng quãng đường di chuyển thôi, cũng đã đầy nhọc nhằn, cách trở. Con đường từ trung tâm xã Châu Khê vào cụm bản Khe Nóng đầy dốc đá lởm chởm; chưa kể, phải vượt qua 4 con suối, băng qua những cánh rừng già… mất hơn 1 giờ.
Đứng ở mô đất cao, phóng tầm mắt ra toàn cụm dân cư Khe Nóng mà xót xa, day dứt. Gọi là nhà, nhưng cái chỗ mà người dân nơi đây trú ngụ thì đều là mái tranh, vách đất; trống huơ, trống hoác; lụp xụp đến khổ sở. Ở đây, gần như chỉ có một ngôi nhà được xây dựng kiên cố, đó chính là điểm trường tiểu học. Tuy nhiên, nó cũng đã bị bỏ hoang từ gần 1 năm nay, để di dời ra điểm chính.
Mưu sinh phụ thuộc vào rừng, nhưng nhiều năm nay, rừng được kiểm soát nghiêm ngặt, cuộc sống của người dân Khe Nóng càng trở nên chật vật hơn. Khi lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, xử lý nghiêm hành vi săn bắn động vật hoang dã, người dân cũng đành phải giã từ cung tên, bẫy thú. Còn những cánh rừng xung quanh nhà, đều đã được giao cho Lâm trường Con Cuông quản lý.
Không còn có thể dựa vào rừng, những thanh niên lần lượt rời núi, kéo nhau đi làm thuê. Nhưng trình độ học vấn thấp, họ chủ yếu làm những công việc nặng nhọc với mức lương khiêm tốn. Đến Khe Nóng thời điểm này, chủ yếu gặp người già, phụ nữ và con trẻ. Hầu hết những người trong độ tuổi lao động đã phải đi làm ăn xa, số còn lại ở nhà tranh thủ vào rừng hái măng, rau dại.
Chị La Thị An (43 tuổi) chỉ ra những vạt rừng trước nhà nói: Ở đây không có đất sản xuất, chẳng biết làm chi cả. Mỗi nhà chỉ có một mảnh ruộng nhỏ, mỗi vụ sản xuất chỉ được chừng 1 bì lúa, đủ để nuôi gà thôi. Không đi làm thuê thì không biết lấy gì ăn.
Ngay như La Văn May (28 tuổi), là Cụm trưởng cụm dân cư Khe Nóng, nhưng vì cuộc sống khó khăn nên vợ chồng anh đã phải rời nhà, rời bản đi làm phụ hồ ở Hà Nội từ nhiều năm nay. Còn công việc của người “cán bộ”, May đành phó thác lại cho cấp phó. Con cái của mình, vợ chồng May cũng đành phải gửi cho ông bà, để mỗi năm chỉ tranh thủ dịp Tết về thăm con vài bữa.
Trước đây, May từng là Trưởng bản Khe Nóng. Kể từ khi thực hiện sáp nhập thôn, bản, chức vụ ấy đã không còn. Khe Nóng chưa đến 50 hộ dân Đan Lai, chưa đủ để thành lập bản và buộc phải sáp nhập với bản Châu Sơn ở tận trung tâm xã. Vì thế, May “rớt chức”, chỉ còn là Cụm trưởng. Dù đã sáp nhập, nhưng từ Khe Nóng ra Châu Sơn mất gần 30 km, đường sá lại khó khăn. Thành ra ở Khe Nóng vẫn như một bản riêng biệt và người dân vẫn quen gọi May là Trưởng bản.
Chủ tịch UBND xã Châu Khê - Kha Văn Thương xuýt xoa: Khe Nóng khó khăn lắm, khổ thì không đâu bằng. Đây là cụm dân cư khó khăn nhất của cả huyện Con Cuông với 100% đều là hộ nghèo. Mùa mưa, nước tại 4 con suối trên đường vào bản dâng cao, khiến khu vực này cô lập hoàn toàn.
Cũng lời Chủ tịch Thương: Gần 50 hộ dân Đan lai lâu nay vẫn phải ở nhờ trên đất của lâm trường. Sau nhiều lần đề xuất, phía lâm trường đã cắt 70 ha cho người dân sinh sống và canh tác, nhưng chừng đó vẫn là quá ít. Người dân vẫn thiếu đất để sản xuất, vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước là chính.
Không thể sống nhờ vào nông nghiệp, nhưng còn chăn nuôi, thì không hề dễ dàng. Khí hậu ở Khe Nóng rất khắc nghiệt, khác biệt hoàn toàn so với những khu vực còn lại ở Con Cuông. Ở đây, có rất nhiều loại côn trùng như ruồi vàng, bọ…. Chúng thường hút máu của các loài gia súc, thậm chí cả người. Chính vì thế, trâu bò ở Khe Nóng dù chăm thế nào cũng rất còi cọc. “Thật khó để giúp người dân nơi đây thoát nghèo được”, ông Thương lắc đầu ngán ngẩm.
Nhọc nhằn con chữ vùng sâu
Điểm trường tiểu học ở cụm bản Khe Nóng, từng là nơi học tập của cả học sinh tiểu học lẫn mầm non, nhưng đã bị bỏ hoang từ gần 1 năm nay. Để đeo đuổi con chữ, con trẻ người Đan Lai ở Khe Nóng đã phải cắt rừng, lội suối những 30 km ra trung tâm xã để học, do thực hiện chủ trương sát nhập trường lớp.
Một phụ huynh ở Khe Nóng kể: Quãng đường quá xa, cứ đầu tuần các cháu phải thức dậy từ 4 h sáng, để bố mẹ chở bằng xe máy đi học. Rồi đến cuối tuần mới về. Nhà nào không có xe thì nhờ hàng xóm.
Mới vào lớp 1, nhưng các em đã phải sống xa nhà. Có em được bố mẹ gửi ở nhờ nhà người quen, có em lại ở nội trú trong trường, được cô giáo trông nom. Hành trình đi học của những đứa trẻ Đan Lai ở Khe Nóng cũng gian nan, trắc trở như chính con đường dẫn vào bản làng của chúng vậy. Cũng chính vì nhà ở quá xa, thành ra, nguy cơ đứt học luôn hiển hiện như chính lời lãnh đạo xã Châu Khê thổ lộ.
Phó Chủ tịch UBND xã Châu Khê Nguyễn Thế Anh chia sẻ: Cụm bản Khe Nóng có chừng 20 học sinh ở các cấp học. Sau dịp lễ, tết; chính quyền địa phương đã phối hợp với nhà trường, lập nhiều đoàn vào tận nơi để vận động các em đến lớp. Không thế thì các em sẽ ở nhà luôn với bố mẹ.
Đầu năm học vừa rồi, học sinh từ khối lớp 1 phải chuyển ra điểm chính. Những đứa trẻ bậc mẫu giáo đành phải ở nhà. Khi chúng tôi có mặt ở đây, dù đã cuối tháng 3 nhưng “lớp” mầm non chỉ mới học được vài buổi kể từ đầu năm học. Gọi là lớp nhưng thật ra chỉ có 7 em lứa 5 tuổi, kèm theo vài em nhỏ hơn thi thoảng được bố mẹ mang đến để chơi cùng anh, chị; do 2 giáo viên giảng dạy.
Điểm trường tiểu học đã bỏ hoang, cô và trò ở đây đành phải mượn tạm căn nhà gỗ của Trạm Biên phòng để học tập. Chia sẻ về những tháng ngày “cắm bản” với học sinh Đan Lai, một giáo viên tâm sự: Bậc mầm non ở đây chỉ có lớp 5 tuổi thôi. Từ giờ đến cuối năm chúng tôi sẽ dạy đủ 36 buổi cho các cháu, để trang bị chút kiến thức cho các cháu trước khi vào lớp 1.
Rời Khe Nóng, con đường ngược trở ra trung tâm xã Châu Khê dường như xa hơn... Khe Nóng, bao giờ hết nóng cứ day dứt mãi không thôi !