Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Khát vọng vươn lên của đồng bào DTTS ở huyện biên giới Sa Thầy

Ngọc Chí - 08:00, 12/05/2024

Cái nghèo khó đang dần lùi xa, cuộc sống mới sung túc hơn đang dần hiện hữu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện biên giới Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Điều đó, minh chứng khát vọng vươn lên của đồng bào DTTS và việc triển khai các chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho vùng đồng bào DTTS đang phát huy hiệu quả.

Ngoài cây cao su, cà phê, đồng bào DTTS ở xã Hơ Moong đã mạnh dạn đầu tư trồng thêm cây sầu riêng
Ngoài cây cao su, cà phê, đồng bào DTTS ở xã Hơ Moong đang mạnh dạn đầu tư trồng thêm cây sầu riêng

Trở lại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy trong cái nắng gay gắt của mùa khô Tây Nguyên, chúng tôi cảm nhận được những đổi thay của vùng đất này. Trên những đồi cà phê, cao su, cây ăn trái bạt ngàn, đồng bào DTTS vẫn đang hăng say lao động sản xuất, tự tay chăm sóc, vun trồng với kỳ vọng cuộc sống ngày càng sung túc hơn nhờ vào các loại cây này.

Anh A Kương, Thôn trưởng, Người có uy tín thôn Đăk Wơk, chia sẻ: Thôn có 377 hộ, chủ yếu là dân tộc Ba Na. Trước đây, bà con chưa biết trồng cây cà phê, cao su, cuộc sống rất khó khăn. Từ khi Đảng, Nhà nước hỗ trợ và tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cuộc sống của bà con đã đổi thay. Toàn thôn đã có hơn 200 ha cà phê, hơn 300 ha cao su. Hiện nhiều hộ gia đình đang phát triển thêm cây sầu riêng, mắc ca. Nhờ có thu nhập ổn định số hộ nghèo trong thôn đã giảm dần, hiện chỉ còn 16 hộ.

Xã Hơ Moong có 84,6% dân số là đồng bào DTTS. Nhờ nguồn lực đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đường giao thông, điện, đường, trường, trạm được đầu tư dần hoàn thiện. Hiện xã đã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10%. 

"Điều đáng mừng hơn cả là, đồng bào DTTS đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm và có khát vọng vươn lên trong cuộc sống", ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Hơ Moong cho biết. 

Diện mạo vùng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy đang từng ngày đổi thay
Diện mạo vùng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy đang từng ngày đổi thay

Sa Thầy là huyện biên giới, với 21 dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng bào DTTS chiếm trên 57% dân số. Toàn huyện có 10 xã và 01 thị trấn với 64 thôn, làng; trong đó, có 45 thôn, làng đồng bào DTTS. Từ một huyện nghèo, các điều kiện về cơ sở hạ tầng kém phát triển, lại nằm thế giao thông ngõ cụt nên ban đầu huyện gặp những khó khăn nhất định.

Bà Rơ Châm Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết: Để làm thay đổi vùng đồng bào DTTS, huyện đã tập trung triển khai thực hiện tổng số là 21 chương trình, chính sách của Nhà nước dành cho vùng DTTS. Trong đó, ưu tiên các lĩnh vực phát triển hạ tầng cơ sở, thông tin truyền thông, y tế, văn hóa, giáo dục; giải quyết cơ bản vấn đề đất ở, đất sản xuất; chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. 

Đồng thời, huyện cũng ban hành và triển khai một số đề án hỗ trợ cho đồng bào DTTS, như: Đề án cải tạo vườn tạp; Đề án khai thác tiềm năng, lợi thế nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Ia Ly, Plei Krông; triển khai 20 mô hình khuyến nông hỗ trợ cho đồng bào DTTS…

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, huyện Sa Thầy đang đầu tư Dự án bố trí, sắp xếp dân cư cho các hộ đồng bào DTTS ở thôn Đăk Wơk, xã Hơ Moong
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, huyện Sa Thầy đang đầu tư Dự án bố trí, sắp xếp dân cư cho các hộ đồng bào DTTS ở thôn Đăk Wơk, xã Hơ Moong

Cùng với đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) được huyện quan tâm chỉ đạo, triển khai quyết liệt. 

Từ năm 2022 đến nay, huyện đã triển khai hỗ trợ đất ở, nhà ở cho 57 lượt hộ; chuyển đổi nghề cho 658 lượt hộ; nước sinh hoạt phân tán cho 897 lượt hộ; đầu tư 02 dự án Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở các xã đặc biệt khó khăn cho 370 hộ được hưởng lợi; 80 công trình cơ sở hạ tầng các loại phục vụ giao thông, sản xuất, sinh hoạt...

Anh A Khải (dân tộc Rơ Măm), làng Le, xã Mô Rai, chia sẻ: Đồng bào Rơ Măm được Đảng, Nhà nước và huyện quan tâm đầu tư toàn diện, từ đường giao thông, trường học, nhà rông và cây, con giống. Phần lớn người dân trong làng đều có diện tích cà phê, cao su, điều nên cuộc sống đã thay đổi, không còn nghèo khó như trước.

Trường lớp được đầu tư khang trang tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vùng DTTS học tập
Trường lớp được đầu tư khang trang tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vùng DTTS học tập

Với những chính sách hỗ trợ hữu hiệu của Nhà nước và tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Nhân dân các dân tộc nên huyện Sa Thầy đã có những bước phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Cơ sở hạ tầng, bộ mặt của huyện từ trung tâm đến các xã vùng sâu, vùng xa được đầu tư khang trang.

Toàn huyện đã có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 01 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 07 thôn/làng được công nhận thôn, làng nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS. Hộ nghèo giảm còn 1.025 hộ (chiếm tỷ lệ 6,99% số hộ) và 698 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 4,76%).

Kết quả trên chính là tiền đề, là động lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Sa Thầy tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng huyện nhà phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. 

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.