Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khát khao chấn hưng văn hóa dân tộc trong năm 2023

PV - 10:03, 02/01/2023

Những dấu ấn từ năm 2021 - 2022 chắc chắn sẽ là điểm tựa cho giấc mơ chấn hưng văn hóa dân tộc trong năm 2023.

Tác phẩm "Tự hào Việt Nam" của tác giả Dương Tiến Dũng
Tác phẩm "Tự hào Việt Nam" của tác giả Dương Tiến Dũng

Năm 2022 trôi qua để lại rất nhiều cảm xúc đối với những người yêu văn hóa. Sau 1 năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, nhiều tín hiệu khởi sắc, hành động mạnh mẽ, cam kết cụ thể trong phát triển văn hóa giúp chúng ta có thêm niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

Những dấu ấn từ năm 2021 - 2022 chắc chắn sẽ là điểm tựa cho giấc mơ chấn hưng văn hóa dân tộc trong năm 2023. Với tinh thần “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”, ở phương diện thể chế, chính sách, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 là tín hiệu đầu tiên cho thấy một khung chính sách với những hành động cụ thể làm tiền đề cho sự phát triển văn hóa được hình thành bài bản.

Nghệ thuật định hướng thị trường

Trong khi đó, Luật Điện ảnh (sửa đổi) năm 2022 được xem như một hành động cụ thể, mang tính đột phá để đưa điện ảnh trở thành một ngành công nghiệp văn hóa trong một khuôn khổ pháp luật, từ đó đem hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Việc ban hành luật là một ví dụ điển hình trong việc chuyển trạng thái của văn hóa, nghệ thuật từ sản phẩm nghệ thuật có tính tư tưởng và giải trí sang sản phẩm nghệ thuật kết hợp của tư tưởng, giải trí với định hướng thị trường, hình thành nên sức mạnh tổng hợp quốc gia. Đây có thể là hình mẫu trong việc ban hành các luật về văn hóa, nghệ thuật khác để lĩnh vực đặc biệt quan trọng và tinh tế này có được định hướng mới, mang hơi thở mới của thời đại.

Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến những hội thảo, hội nghị lớn được tổ chức trong năm 2022. Hội thảo về "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người" do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức, cùng với hội thảo của Quốc hội về "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" là những điểm nhấn cho quyết tâm phát triển văn hóa.

Song song với, đó là những hội nghị ở Hà Tĩnh, Bắc Ninh, với những nghị quyết, kết luận được ban hành bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa. Không chỉ là nhận thức, kết luận của các hội thảo lớn này chính là cơ sở chính trị quan trọng để hình thành nên những giải pháp then chốt về nguồn nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, trong hợp tác công - tư, sắp xếp tổ chức bộ máy, đặc biệt là các đơn vị nghệ thuật.

Chúng ta cũng không thể không nói đến những nỗ lực trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Sau hơn 5 năm ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, giờ đây là lúc chúng ta thu lại những thành quả ngọt bùi, khi không chỉ các tác phẩm điện ảnh, mà trong âm nhạc hay các loại hình nghệ thuật khác đều có sự bứt phá, với những kết quả đáng mong ước.

Thành công này sẽ là nguồn cảm hứng cho các ngành nghệ thuật khác chuyển hướng sang một tư duy quản lý và phát triển mới, ở đó vừa đề cao những giá trị nhân văn của văn hóa, vừa sát hơn với nền kinh tế thị trường.

Các sản phẩm nghệ thuật của người Việt Nam, cho người Việt Nam, vì người Việt Nam đang chiếm được cảm tình của khán giả trong nước, vươn dần ra thế giới. Và quan trọng hơn nữa, là đang trở thành một xu thế vững chắc để xây dựng một nền nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa đã thực sự tạo nên bầu không khí sáng tạo và tâm lý phấn khởi, tích cực len lỏi khắp các đô thị lớn và lan tỏa đến cả các vũng quê hẻo lánh. Nếu như Hà Nội vẫn luôn nuôi nhiệt huyết dẫn đầu về phát triển văn hóa bằng sự tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2019 đã bùng nổ bởi các hoạt động trong năm 2022 với hàng loạt các sự kiện như:

Lễ hội thiết kế sáng tạo, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội, Liên hoan Sân khấu Thủ đô, Lễ hội áo dài du lịch… với sự nhộn nhịp của các không gian sáng tạo và sự đổi mới hoạt động của hàng loạt di tích, bảo tàng hay thiết chế văn hóa, thì không khí văn hóa sôi động cũng có thể nhận thấy ở các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế và kể cả các địa phương khác nữa với những lễ hội, liên hoan, sự kiện tôn vinh văn hóa của mình.

Nghệ thuật Xòe Thái và thực hành Then đưa chúng ta đến với niềm tự hào về văn hóa của các DTTS, góp phần vào bức tranh văn hóa đa màu sắc, tạo nên tình đoàn kết từ những giá trị di sản dân tộc; lễ hội du lịch ở các địa phương trên cả nước cũng cho thấy những nét quyến rũ riêng, để chúng ta thêm tự hào về văn hóa dân tộc mình và từ đó thêm yêu đất nước tươi đẹp.

Hát Then trên hồ Nà Nưa
Hát Then trên hồ Nà Nưa

Sự bùng nổ trở lại của các hoạt động văn hóa nghệ thuật

Năm 2023, chắc chắn những sự kiện văn hóa, nghệ thuật sẽ còn nhiều khởi sắc, với nhiều hình thức đa dạng và hấp dẫn hơn nữa khi những kinh nghiệm đã được tích lũy cho phép chúng ta tự tin hơn để có thêm những sáng tạo.

Tất nhiên, bên cạnh những mảng màu sáng, tươi tắn của văn hóa, chúng ta vẫn còn thấy những gam màu sẫm, chưa vui như những lùm xùm, hành vi lệch chuẩn của một số nghệ sĩ, tình trạng xuống cấp đạo đức còn diễn ra trong cả gia đình, nhà trường và ngoài xã hội, hay là những vấn nạn khác vẫn còn tồn tại.

Nhưng chúng ta có một niềm tin vững chắc rằng, khi chúng ta nhìn nhận rõ ràng văn hóa là nguồn lực quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực và hệ điều tiết cho sự phát triển của đất nước, chúng ta sẽ tập trung nhiều hơn cho sự phát triển văn hóa trong năm 2023.

Chúng ta cũng chờ đợi sự bùng nổ trở lại của các hoạt động văn hóa nghệ thuật, với sự tỏa sáng của các nghệ sĩ, luôn tâm huyết với nghề và mong muốn thể hiện trách nhiệm đạo đức và là tấm gương tốt đối với xã hội. Du lịch sẽ kết nối di sản văn hóa độc đáo của các dân tộc, vùng miền, giúp bừng sáng những giá trị truyền thống của dân tộc.

Tất cả giúp chúng ta tự hào về giá trị văn hóa, con người Việt Nam, tiếp thêm niềm tin cho chúng ta vững bước tiến vào một thời kỳ mới để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Để như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị văn hóa toàn quốc:

“Tôi tin rằng, với một đất nước, một dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; Nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với Nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.