Chủ động khảo sát, phân hạng
Đông Anh là huyện có lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế làng nghề của Thủ đô. Hiện, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch; nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao, an toàn đạt chuẩn theo quy định: Tiêu chuẩn hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm giới hạn (HACCP), VIETGAP…
Đầu năm 2018, hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm huyện Đông Anh đã chính thức đi vào hoạt động và kết nối hệ thống truy xuất nguồn gốc của Thành phố. Đến nay, hệ thống đã có trên 700 sản phẩm, bao gồm các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, làng nghề.
Vì vậy, ngay sau khi UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch 3629/KH-UBND ngày 8/7/2019 về thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn Thành phố đến năm 2020, huyện Đông Anh đã chủ động triển khai. Việc đầu tiên huyện thực hiện là tổ chức khảo sát, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của huyện.
Đông Anh là huyện đầu tiên của Hà Nội tổ chức khảo sát, đánh giá sản phẩm OCOP, được tổ chức ngày 15/11/2019. Ngay trong lần đầu tiên khảo sát, phân hạng, huyện Đông Anh đã lựa chọn được 20 sản phẩm thuộc 3 nhóm: Thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ.
Đến nay, Đông Anh đã khảo sát, đánh giá được 233 sản phẩm của 84 chủ thể sản xuất. Từ kết quả khảo sát, huyện Đông Anh đã lựa chọn 40 sản phẩm để đánh giá, xếp hạng “sao” năm 2020. Theo kế hoạch, hết năm 2020, huyện Đông Anh phấn đấu có từ 40 - 45 sản phẩm được Thành phố đánh giá, phân hạng công nhận sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao.
Lợi ích “kép”
Sau huyện Đông Anh, các địa phương trên địa bàn Thủ đô cũng đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm. Tính đến cuối năm 2019, Hà Nội đã hoàn thành công tác “chấm điểm” sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của năm và đến giữa tháng 2/2020, UBND Thành phố đã ban hành quyết định công nhận 301 sản phẩm OCOP cấp thành phố, từ 3 – 5 sao.
Việc tổ chức khảo sát, đánh giá sản phẩm OCOP không chỉ giúp các địa phương rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP mà cũng là diễn đàn để các chủ thể OCOP có thêm điều kiện quảng bá sản phẩm.
Như trường hợp bà Trần Thị Thanh, chủ cơ sở sản xuất và chế biến gà tần Thiên Thanh (huyện Đông Anh). Trước đây gia đình bà chủ yếu nuôi gà thịt thương phẩm, đến năm 2019, bà đã thành lập cơ sở sản xuất và chế biến gà tần Thiên Thanh với 2 sản phẩm gà ác tần thuốc bắc và cháo gà ác gạo lứt.
Khi huyện Đông Anh tổ chức khảo sát, phân hạng sản phẩm OCOP, bà đã đưa hai sản phẩm này tham gia. Nếu được gắn “sao”, cơ sở sẽ có cơ hội được phân phối tại các hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi.
Tại Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP năm 2019 của huyện Đông Anh (tổ chức ngày 15/11), bà Bùi Đình Hòa, Chuyên gia tư vấn Trung tâm Đào Tạo SKC - Thuộc Công ty Cổ phần Sông Đà Kinh Bắc cho rằng, thông qua các cuộc khảo sát, đánh giá là để rà soát kỹ lại các hồ sơ sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, từ đó lựa chọn các sản phẩm trọng tâm, từng bước tạo nền tảng để “tăng sao” cho sản phẩm và phân phối tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi; mang lại hiệu quả cho cả người nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tính đến cuối năm 2019, Hà Nội đã hoàn thành công tác “chấm điểm" sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của năm và đến giữa tháng 2/2020, UBND Thành phố đã ban hành quyết định công nhận 301 sản phẩm OCOP cấp thành phố, từ 3 sao – 5 sao.