Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khánh Vĩnh (Khánh Hòa): Sự lộng hành của cát tặc liệu có thế lực nào che chắn?

Tiếng Dân - 16:32, 03/06/2021

Trên dòng sông Chò, đoạn chảy qua xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa có rất nhiều bãi khai thác cát xây dựng không phép, ngang nhiên hoạt động bất kể ngày đêm. Nhiều đoạn bờ sông tan hoang, sạt lở, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, nhưng chưa bị xử lý; không những vậy còn có dấu hiệu có "xã hội đen" bảo kê!.

Hoạt động khai thác cát lậu biến dòng sông Chò tại thôn Cà Thiêu, xã Khánh Hiệp thành đại công trường
Hoạt động khai thác cát lậu biến dòng sông Chò tại thôn Cà Thiêu, xã Khánh Hiệp thành đại công trường

"Đại công trường" khai thác cát lậu

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi đến xã Khánh Hiệp để ghi nhận tình trạng khai thác cát, đất trái phép tại đây. Đi dọc các tuyến đường mòn và đường bê tông liên xã, chúng tôi nhận thấy, bờ sông Chò bị các đối tượng khai thác cát trái phép đào xới tan hoang. 

Không chỉ khai thác cát, trên tuyến đường chính chạy qua UBND xã Khánh Hiệp nhiều xe ben, xe tải hạng nặng chở đất lậu chạy rầm rầm trên đường, bụi tung mù mịt. Cách UBND xã Khánh Hiệp không xa, là một điểm khai thác đất đang diễn ra khiến một quả đồi tan hoang.

Người dân tại xã Khánh Hiệp, cho biết: Việc khai thác tài nguyên đất, cát xây dựng tại xã Khánh Hiệp diễn ra rầm rộ và từ rất lâu. Hoạt động này diễn ra công khai, cả ngày lẫn đêm; một số mỏ cát, đất lậu sát trụ sở UBND xã nhưng chưa thấy chính quyền sở tại “tuýt còi”.

Men theo lối mòn của con đường đất dẫn đến thôn Cà Thiêu, xã Khánh Hiệp, rất dễ dàng nhìn thấy một bãi cát quy mô lớn, sát cạnh một cầu sắt bắc qua sông Chò. Người dân cho biết, đây là bãi khai thác cát lậu hoạt động nhiều năm nay, chủ bãi cát này là người đàn ông tên Tí Bướm (tên thật là Chung Cao Phong- Pv). 

Tại thời điểm trên, chúng tôi ghi nhận trong khu vực khai thác, có ít nhất 4 xe tải ben đang nhận cát từ máy múc và bè hút. Theo quan sát, ngay sát cạnh bờ sông Chò, có một chiếc xe tải đang được máy bơm cát trực tiếp từ sông Chò lên thẳng thùng xe, thông qua một bè đặt máy bơm hút dưới lòng sông. 

Cách đó không xa, một máy xúc đang xúc cát từ suối lên thùng xe, trong khi đó những xe khác đang chờ đến lượt vào chở cát. Do hoạt động khai thác cát, nên bờ sông Chò bị đào hút nham nhở gây nên những hố sâu, vách đất làm thay đổi dòng chảy của sông, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở hai bên bờ sông.

Rời thôn Cà Thiêu, đến thôn Ba Cẳng cũng thuộc xã Khánh Hiệp, tại đây tình trạng khai thác cát trái phép cũng diễn ra rầm rộ. Người dân cho biết, đây là bãi cát của 2 người đàn ông có tên Ti và N. 

Thấy người lạ, ngay lập tức một đối tượng cao lớn, mặt có sẹo dài xuất hiện chặn xe chúng tôi và hất hàm nói: “Anh em khổ quá nên mới làm ít cát, mong các anh thông cảm bỏ qua”. Để tránh sự nghi ngờ, chúng tôi trở ra và di chuyển đến một điểm khác.

Chúng tôi đi về phía trạm bảo vệ rừng của Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương, cách vị trí khai thác của bãi khai thác Ti và N chừng hơn 1km. Tại đây, chúng tôi phát hiện nền đường còn ướt do máy bơm cát từ sông Chò lên bờ, và nhiều vị trí tại đây cát còn vương vãi khắp nơi. Phía dưới lòng sông vẫn còn có một chiếc bè gắn bơm cát được buộc vào gốc cây khá kín đáo.

Một địa điểm khai thác cát lậu tập kết cát ngay trên bờ
Một địa điểm khai thác cát lậu tập kết cát ngay trên bờ

Có dấu hiệu côn đồ "bảo kê" mỏ cát ?

Sau khi ghi nhận tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Chò, chúng tôi theo đường lớn trở ra phía UBND xã Khánh Hiệp, nhưng khi vừa từ đường lớn rẽ về phía bãi cát Ti và N, thì ngay lập tức có đối tượng lạ theo bám. 

Chúng tôi quay xe ra về, những đối tượng này đuổi theo tới tận sát trụ sở UBND xã Khánh Hiệp. Chúng tôi di chuyển bằng xe máy vào nhà một người dân gần đó, lên xe ô tô rời địa bàn, thì hai đối tượng này xuất hiện trước cổng để canh chừng và thông báo cho đồng bọn. 

Chỉ ít phút sau đó, một nhóm người kéo đến trước cổng nhà và một trong số đó chỉ đạo “xông vào nhà luôn”. Rất may, chủ nhà đã kịp thời đóng cổng nên nhóm đối tượng không thể vào nhà nên chia nhau canh gác khắp các ngả đường.

Với mục đích không cho chúng tôi rời khỏi hiện trường, nhóm người này điều động thêm một số thanh niên địa phương và một chiếc ô tô hiệu Inova để “lập chốt” canh chừng. Chúng tôi đã liên lạc nhờ những người dân xung quanh qua lại quan sát, và được biết các đối tượng có mang theo hung khí như dao, gậy và chia thành nhiều tốp nhỏ canh hết các ngả đường. 

Nhận thấy mức độ nguy hiểm lớn, chúng tôi đã liên lạc với Bí thư Huyện ủy và đồng chí Trưởng Công an huyện Khánh Vĩnh “cầu cứu”. Sau khi nghe có lực lượng Công an huyện Khánh Vĩnh đến, các đối tượng đã bỏ chạy khỏi khu vực.

Qua sự việc này, dư luận đặt ra các câu hỏi: Tại sao hàng loạt các mỏ đất, cát không phép ngang nhiên hoạt động trên địa bàn xã Khánh Hiệp nhưng không bị xử lý? Thế lực nào đã “bảo kê” để “rút ruột" tài nguyên nhằm trục lợi tại đây? 

Thiết nghĩ đã đến lúc, các cơ quan chức năng huyện Khánh Vĩnh và Tỉnh Khánh Hòa cần vào cuộc xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát, đất không phép tại xã Khánh Hiệp. Đồng thời, làm rõ vai trò trách nhiệm của từng cá nhân, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, để trấn an người dân, dư luận.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.