Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khánh Vĩnh (Khánh Hoà): Giao đất, giao rừng cho người dân vẫn chưa được như kỳ vọng

T.Nhân-H.Trường - 07:45, 13/11/2024

Có thể khẳng định, việc giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi, là chủ trương lớn, thiết thực mang tính nhân văn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, để chủ trương này đi vào thực tiễn vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc khiến cho việc giao đất, giao rừng chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Ghi nhận ở huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hoà.

Nhiều hộ đồng bào DTTS tại huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hoà) vẫn đang thiếu đất sản xuất
Nhiều hộ đồng bào DTTS tại huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hoà) vẫn đang thiếu đất sản xuất

Theo báo cáo của UBND huyện Khánh Vĩnh với Đoàn công tác Hội đồng Dân tộc Quốc hội, trong chuyến khảo sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình ở vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2019 - 2023 mới đây, số lượng hộ đồng bào DTTS đăng ký tham gia nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn là 81 hộ với diện tích hơn 2.244ha rừng tự nhiên. Hiện nay, huyện đang tiếp tục rà soát và hoàn chỉnh hồ sơ giao khoán bổ sung bảo vệ gần 106,4ha rừng tự nhiên tại xã Khánh Phú để giao cho các hộ đồng bào DTTS giai đoạn 2024 - 2025.

Những năm qua, việc thực hiện chủ trương này đã góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng ở địa phương, tạo việc làm cho người dân sống gần rừng, cải thiện nhu cầu cuộc sống; diện tích rừng tự nhiên được quản lý, bảo vệ phát triển bền vững, hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng trái pháp luật. Tuy nhiên, quá trình triển khai chủ trương nêu trên còn gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định, khiến việc giao đất, giao rừng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Cụ thể, các hộ nghèo thực hiện dịch vụ bảo vệ rừng rất hạn chế, không đảm bảo các nội dung cơ bản theo hợp đồng như: Bảo vệ rừng, không để bị mất rừng, đất rừng. Nguyên nhân là do tình trạng cháy rừng, phá rừng, lấn chiếm đất rừng, chặt cây gỗ rừng... còn diễn ra. Việc thực hiện giao khoán buộc người được giao rừng phải có trách nhiệm rất cao nên khi triển khai đa số hộ nghèo không đủ năng lực, không dám nhận khoán bảo vệ rừng.

Ngoài ra, các khu rừng giao khoán cho các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng thường xa khu dân cư, địa hình đi lại khó khăn nên việc quản lý, bảo vệ rừng chưa đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, việc giao đất cho các hộ nghèo thiếu đất sản xuất đã được các chủ rừng giao về địa phương thực hiện, nhưng hiệu quả sử dụng đất chưa cao.

Tình trạng sang nhượng đất diễn ra liên tục không thông qua chính quyền địa phương. Do đó, việc thiếu đất sản xuất, cũng như tình trạng người dân phá rừng, lấn chiếm đất sản xuất trên địa bàn huyện vẫn tiếp diễn chưa giải quyết dứt điểm…

Người dân vẫn chưa mặn mà việc nhận khoán bảo vệ rừng
Người dân vẫn chưa mặn mà việc nhận khoán bảo vệ rừng

Ông Đỗ Anh Thy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Khánh Hoà cho biết: Hiện nay, kinh phí hỗ trợ quản lý, bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm theo quy định tại Thông tư số 12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn một số hoạt động lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. 

Mức kinh phí này vẫn còn thấp, chưa thu hút được người dân tự nguyện tham gia. Bên cạnh đó, theo quy định, thời điểm chi trả tiền khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình đồng bào DTTS là vào cuối năm. Tuy nhiên, phần lớn các hộ đồng bào DTTS là hộ nghèo, cuộc sống khó khăn nên đến cuối năm mới chi trả tiền cho người dân là chưa hợp lý.

Sau khi khảo sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình ở vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2019 - 2023 tại huyện Khánh Vĩnh, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chia sẻ: Đây cũng là vướng mắc chung của nhiều địa phương không chỉ riêng ở huyện Khánh Vĩnh, do đó cần được tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.

Cũng theo ông Nguyễn Lâm Thành, trong công tác giao đất, giao rừng, phát triển rừng, huyện Khánh Vĩnh cần xác định, người dân là chủ thể quan trọng nhất để bảo vệ rừng. Do đó, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân không xâm phạm rừng, phát hiện những vi phạm, tác động đến rừng sẽ báo cáo địa phương, cơ quan chức năng xử lý kịp thời.

“Thời gian tới, huyện cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư, hộ gia đình ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, quan tâm đến công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xác định các chủ thể đủ điều kiện pháp lý; rà soát lại diện tích đất rừng bóc tách trên địa bàn để có phương án, mô hình hỗ trợ hộ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, giải quyết triệt để tình trạng tranh chấp đất rừng...”, ông Thành đề xuất.

Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 46 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Thời gian qua, đội ngũ Người có uy tín đã phát huy vai trò tiên phong của mình trong việc vận động đồng bào DTTS tham gia thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Nhờ vậy, trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG luôn nhận được sự đồng thuận của đồng bào trong vùng thực hiện dự án, từ đó đời sống bà con ngày càng ấm no, diện mạo nông thôn cũng thay đổi tích cực.