Quỹ đất đang ở đâu?
Kỳ Sơn là huyện nghèo 30a giáp biên ở xứ Nghệ, có diện tích đất lâm nghiệp hơn 194.000 ha/209.000 ha diện tích tự nhiên, chiếm hơn 93% diện tích tự nhiên của huyện. Hiện nay, diện tích đất lâm nghiệp này chủ yếu do các chủ rừng như Ban Quản lý rừng phòng hộ, 2 tổng đội TNXP, Công ty dược liệu TH ở xã Mường Lống quản lý. Do đó, người dân cần có đất, muốn được giao đất để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lại không thể thực hiện vì không có quỹ đất.
Thực tế thì, việc giao đất gắn với giao rừng đã được triển khai từ mấy năm trước. Để làm được điều này, Đảng bộ huyện Kỳ Sơn đã đưa nội dung giao đất giao rừng, cấp GCNQSD đất, là 1 trong 3 khâu đột phá cần thực hiện của huyện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, theo đó cũng đã có nhiều diện tích đất được giao cho người dân.
Cụ thể năm 2020, huyện đã triển khai giao rừng gắn với giao đất, cấp GCNQSD đất tại 3 xã Bảo Thắng, Bắc Lý, Mỹ Lý với tổng diện tích đã giao là 1.981,38 ha cho 204 hộ gia đình và 10 cộng đồng. Năm 2021 - 2022, huyện đã rà soát lập hồ sơ giao rừng cho 1.009 hộ, 20 cộng đồng tại 3 xã Chiêu Lưu, Hữu Kiệm, Na Ngoi với diện tích rà soát lập hồ sơ hơn 8.598 ha, nhưng chưa được cấp GCNQSD đất. Năm 2023, huyện tiếp tục dự kiến lập hồ sơ rà soát giao rừng tại 5 xã, với diện tích hơn 6.786 ha
Tuy nhiên, tìm hiểu từ thực tế cho thấy, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đang có hàng ngàn hộ dân thiếu đất, cần có đất… nhưng chưa được giao và cấp GCNQSD đất.
Bên cạnh đó, được biết nhiều chủ rừng trên địa bàn huyện được giao quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, nhưng hầu hết chỉ mới được giao trên quy bản đồ quy hoạch, chưa được cắm mốc ranh giới, cấp GCNQSD đất. Trong khi đó, diện tích rừng do UBND các xã tạm thời quản lý lại manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung nên cũng là nguyên nhân gây khó khăn, ảnh hưởng đến công tác giao đất, giao rừng cho người dân.
Người dân đang rất… cần đất sản xuất
Chưa được giao đất, giao rừng… đồng nghĩa với việc thiếu tư liệu sản xuất. Để mưu sinh, nhiều người dân đã phải làm thuê hoặc khai thác lâm sản phụ… dẫn đến cuộc sống khó khăn, thiếu ổn định.
Ông Xồng Bá Lầu - Chủ tịch UBND xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) cho hay: Nhu cầu cần được giao đất, giao rừng của bà con là rất lớn. Không có đất làm ăn, nhiều người trên địa bàn xã đã phải đi làm thuê khắp nơi.
Xin được dẫn chứng một câu chuyện, là một phần của hệ quả do người dân thiếu đất sản xuất, thiếu rừng. Đó là câu chuyện của rất nhiều trẻ em ở Kỳ Sơn, cứ dịp đầu nghỉ Hè lại khăn gói vượt quãng đường hàng ngàn km vào miền Nam, hay các tỉnh Tây Nguyên đoàn tụ cùng bố mẹ. Nguyên do là bố mẹ các em vì mưu sinh phải tha phương đi làm thuê, các em ở lại cùng ông bà, người thân ở quê nhà, mỗi năm, các em chỉ có thể được được đoàn tụ cùng bố mẹ vào dịp Tết, hoặc nghỉ Hè.
Theo ông Lê Hồng Lập - Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Kỳ Sơn, toàn huyện có tổng dân số khoảng 80.000 người, nhưng thống kê năm 2022, có hơn 16.000 lao động đi làm việc ở tỉnh khác. Trong số này, đa phần đi làm thuê tại các nông trường cao su của Binh đoàn 15 ở các tỉnh Tây Nguyên cũng như làm thuê ở các tỉnh Đông Nam Bộ.
Chúng tôi đã nhiều lần đến huyện Kỳ Sơn, lắng nghe người dân nơi đây tâm sự về câu chuyện thiếu đất. Người dân nơi đây cho rằng, điều kiện tự nhiên của huyện rất thuận lợi cho phát triển trồng cây rừng có giá trị kinh tế cao như pơ mu, sa mu… Cùng với đó là phát triển các mô hình gia trại, trang trại chăn nuôi trâu bò, gà đen, lợn đen, trồng chè Shan tuyết, cây dược liệu dưới tán rừng cho thu nhập cao và ổn định.
Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình phát triển kinh tế, kết hợp trồng rừng hiện gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân rất quan trọng là, nhiều hộ chưa có diện tích đất rừng để phát triển sản xuất từ kinh tế rừng.
Ông Phạm Văn Hòa - Phó phòng Dân tộc huyện Kỳ Sơn cho biết: Người dân rất thiết tha có đất, có rừng và được cấp GCNQSD đất để ổn định cuộc sống. Bởi vì, chỉ có giao đất, giao rừng gắn với cấp GCNQSD đất thì giấc mơ sinh kế của người dân mới được thực hiện. Nếu không có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống,, thì bà con sẽ gặp nhiều khó khăn, nguy cơ tái nghèo sẽ tiếp diễn. Mặt khác, người dân rất dễ vi phạm pháp luật khi lên rừng khai thác lâm sản, săn bắt thú rừng trái phép và dễ bị kẻ xấu lợi dụng rủ rê làm việc phi pháp.