Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Khánh Sơn (Khánh Hòa): Nhiều vướng mắc trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

T.Nhân - 14:52, 15/10/2023

Thời gian qua, huyện Khánh Sơn (Khánh Hoà) đã nỗ lực trong việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia. Nhờ đó, đời sống của người dân được cải thiện; cơ sở, hạ tầng của huyện được đầu tư khang trang. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc, khiến cho kết quả chưa được như mong đợi.

Các Chương trình mục tiêu quốc gia giúp huyện Khánh Sơn đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Các Chương trình mục tiêu quốc gia giúp huyện Khánh Sơn đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Theo đánh giá của UBND huyện Khánh Sơn, các Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn đã góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của người dân địa phương so với bình quân chung của tỉnh; giúp giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; thúc đẩy phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc…

Từ năm 2021 đến nay, từ nguồn vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, địa phương đã triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ cho các hộ nghèo, người nghèo; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất được quan tâm đầu tư; tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào thực tế sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực…

Tuy nhiên, việc triển khai các chương trình cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi khó khăn, do việc hướng dẫn triển khai, phân bổ nguồn vốn của Trung ương cho địa phương chậm; nguồn kinh phí được phân bổ cho địa phương không phù hợp với thực tế, khó đáp ứng nhu cầu sử dụng kinh phí hàng năm của địa phương; chưa có định mức đất sản xuất/ hộ để làm cơ sở xác định hộ thiếu đất sản xuất nhằm hỗ trợ đất cho người dân; việc giao khoán bảo vệ rừng cho hộ đồng bào DTTS gặp khó khăn do rất ít hộ nhận khoán…

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, có một số khó khăn do chưa có quy định về mức hỗ trợ cụ thể để thực hiện 1 mô hình đối với hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị; chưa ban hành định mức hỗ trợ tối đa cho 1 dự án và quy định về cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật để luân chuyển trong cộng đồng theo từng dự án, phương án hỗ trợ sản xuất; chưa có chỉ đạo về việc điều chỉnh cơ quan thực hiện và nguồn kinh phí thực hiện tiểu dự án 2 của dự án 3 (Cải thiện dinh dưỡng) về Sở Y tế…

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ gia đình chưa quan tâm thực hiện các tiêu chí không cần nguồn lực đầu tư như tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm; nguồn lực đầu tư cho chương trình còn thấp so với nhu cầu thực tế của địa phương…

Mới đây, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh” tại huyện Khánh Sơn. Đoàn giám sát đã trao đổi, thảo luận với UBND huyện Khánh Sơn để nắm bắt, làm rõ các vấn đề liên quan đến tình hình, thực trạng, mục tiêu, nhiệm vụ, nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các chương trình của địa phương; kết quả thực hiện, các khó khăn, tồn tại, giải pháp để thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện…

Thông qua Đoàn giám sát, UBND huyện Khánh Sơn kiến nghị đến các ngành chức năng trong tỉnh và Trung ương xem xét tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên.

Tin cùng chuyên mục
Có đường nhưng... vẫn chưa hết khổ

Có đường nhưng... vẫn chưa hết khổ

Theo phản ánh của người dân, trong những trận mưa lớn vào đầu năm 2024, nước từ đường Đại Dực đi xã Đại Thành cũ theo cống thoát nước, chảy xuống đường dân sinh ra đến đường trục chính của xã Đại Dực, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) làm trôi bùn đất xuống ruộng và Trung tâm Văn hóa xã, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương.