Người dân chưa mặn mà
Triển khai NĐ 75, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quy định hỗ trợ, trợ cấp cho các đối tượng tham gia thực hiện. Theo đó, mức hỗ trợ trồng rừng sản xuất là 10 triệu đồng/ha/6 năm, đối với trồng rừng cây gỗ lớn; 8 triệu đồng/ha/4 năm, đối với trồng rừng cây gỗ nhỏ.
Mục tiêu của NĐ 75 là hỗ trợ hộ đồng bào DTTS thoát nghèo nhanh, bền vững từ việc tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Ngoài ra, người Kinh nghèo sống ở các xã khu vực II, khu vực III cũng thuộc đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nghị định.
Bên cạnh đó, những hộ trồng rừng thay thế nương rẫy, với diện tích tối thiểu từ 0,5ha trở lên được trợ cấp gạo theo số khẩu thực tế của hộ, nhưng không quá 4 khẩu/hộ; mỗi khẩu được trợ cấp 15kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương đương15kg gạo/khẩu/tháng; thời gian hỗ trợ gạo đối với trồng rừng cây gỗ lớn là 7 năm, đối với trồng rừng cây gỗ nhỏ là 4 năm.
Theo ông Trần Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa, với mức hỗ trợ trên, những hộ dân trồng rừng theo NĐ 75, có điều kiện để ổn định cuộc sống ban đầu, yên tâm chăm sóc rừng đúng tuổi thu hoạch.
Điều đáng nói là, NĐ 75 có hiệu lực từ năm 2015, nhưng đến nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chỉ có 20 hộ ở xã Ba Cụm Nam (huyện Khánh Sơn) được hưởng lợi. Nguyên nhân, là do văn bản hướng dẫn việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ này ban hành chậm, nên mãi đến năm 2017, Nghị định 75 mới bắt đầu thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết: Trên địa bàn huyện chỉ có 20 hộ ở xã Ba Cụm Nam trồng 22,15ha rừng thay thế nương rẫy; tổng số tiền các hộ được hỗ trợ trồng rừng và trợ cấp gạo là hơn 230 triệu đồng. Còn các địa phương khác, qua tuyên truyền vận động cũng có nhiều hộ đăng ký tham gia, nhưng lại không đảm bảo tiêu chí như: Không thuộc hộ nghèo, đất dự kiến trồng rừng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên không thể đăng ký trồng rừng theo NĐ 75. Ngoài ra, cùng có không ít hộ không mặn mà với việc trồng rừng, mà chuyển sang trồng cây ăn quả.
Ông Cao Văn Thoại, người dân ở xã Ba Cụm Nam chia sẻ: Được Nhà nước hỗ trợ như vậy thì ai cũng muốn. Nhưng vấn đề là trồng rừng thì phải đợi đến 7 năm mới có thể thu hoạch. Trong khi trồng cây ăn trái, thì vài ba năm là thu hoạch được mà giá trị lại cao. Vì vậy, người dân chúng tôi không mặn mà trồng rừng, chỉ có những khu vực nào ở xa, không có nước tưới thì người dân mới tham gia trồng rừng theo NĐ 75.
Địa phương cũng chưa thực sự chú trọng...
Trong khi đó, tại huyện Khánh Vĩnh, năm 2018, có 238 hộ đăng ký trồng rừng sản xuất theo NĐ 75. Năm 2019, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương rà soát lại danh sách các hộ đăng ký, thì chỉ có 20 hộ đủ điều kiện tham gia.
Đến tháng 4/2020, UBND huyện đã có kế hoạch trồng rừng sản xuất và trợ cấp gạo theo NĐ 75, giai đoạn 2020 - 2023, với 20 hộ tham gia, kinh phí thực hiện hơn 879 triệu đồng. Tuy nhiên, do không đăng ký kế hoạch vốn trồng rừng năm 2020, nên đến tháng 10 năm nay, huyện Khánh Vĩnh vẫn chưa nhận được văn bản của cấp có thẩm quyền về phê duyệt kế hoạch và phân bổ nguồn kinh phí trồng rừng. Do đó, đến nay chương trình hỗ trợ trồng rừng sản xuất và hỗ trợ gạo cho người dân tham gia NĐ 75 trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh chưa thực hiện được.
Trao đổi về những hạn chế trong quá trình triển khai NĐ 75, ông Trần Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa cho biết, ngay sau khi NĐ 75 ra đời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều cuộc họp, mời các địa phương, đơn vị chủ rừng có liên quan để triển khai. Riêng đối với việc hỗ trợ trồng rừng, cũng đã hướng dẫn các địa phương xác định đối tượng, diện tích, nhu cầu cấp gạo cho các hộ có trồng rừng sản xuất, trồng rừng thay thế nương rẫy. Song thực tế triển khai, nhiều hộ đã đăng ký tham gia, nhưng qua xét duyệt lại không đủ điều kiện; kinh phí trồng rừng còn chậm… dẫn đến việc triển khai Nghị định chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.