Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa hiện quản lý hơn 41.400ha rừng và đất rừng; các khu vực trọng điểm có nguy cơ bị xâm hại, lấn chiếm cao là: Tuyến đường đèo Khánh Lê - Lâm Đồng; khu vực sông Máu, thác Hòm (xã Khánh Thượng), khu vực các xã: Khánh Phú, Khánh Thành…
Theo lãnh đạo Công ty, việc lấn chiếm đất rừng trong lâm phận của Công ty ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc khó giải quyết. Các vụ lấn chiếm cũ chưa giải quyết xong thì lại phát sinh vụ việc mới. Năm 2019, đơn vị đã lập biên bản 83 vụ phát, lấn chiếm đất rừng trồng, với tổng diện tích 421.731m2; 17 vụ phát, lấn chiếm đất rừng tự nhiên, với tổng diện tích 48.583m2. Trong những tháng gần đây, đơn vị đã lập 47 biên bản liên quan đến phát, lấn chiếm đất rừng trồng và 6 biên bản liên quan đến phát, lấn chiếm đất rừng tự nhiên.
Gần đây, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng chuyên trách của Công ty phải liên tục vào, ra khu vực rừng dầu tại Tiểu khu 170 (xã Liên Sang) để canh coi đất rừng. “Khu vực rừng dầu này trồng năm 1998, đang được khai thác để trồng mới lại rừng. Điều chúng tôi lo lắng là khi khai thác xong, lộ ra đất trống, một số đối tượng lại vào khoanh đất, phát dọn để trồng tỉa.
Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã đẩy đuổi hơn 10 đối tượng ra khỏi rừng. Lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị liên tục tuần tra để giữ đất tại đây, bởi chỉ cần lơ là đôi chút là các đối tượng lại quay lại phát dọn, lấn chiếm”, ông Lê Xuân Lý, Phó Giám đốc Công ty Lâm sản Khánh Hòa bức xúc.
Thay vì lấn chiếm đất rừng sau khai thác, hiện nay tại các Tiểu khu 188, 193 (xã Khánh Thành) lại xuất hiện tình trạng khoảng 30 hộ dân địa phương vào phát dọn trái phép dưới tán rừng. Khoảng 18ha rừng dầu trồng trong các năm 2003 - 2005 đã bị phát dọn trái phép dưới tán cây. Qua làm việc với các hộ, đơn vị chủ rừng đã thu hồi được 3ha; hiện đang tiếp tục phối hợp với UBND xã Khánh Thành làm việc với các hộ để tuyên truyền; đề nghị các hộ không phát dọn, lấn chiếm đất rừng tại đây.
Giải thích cho việc làm của mình, một số hộ cho rằng, diện tích đất rừng họ phát, dọn là nương rẫy cũ từ xa xưa của họ. Hiện nay, Công ty trồng xong rừng, khai thác rồi thì họ lấy lại đất để canh tác. Một số hộ thì lấy lý do thiếu đất canh tác nên thấy đất trống, không có rừng thì phát dọn để canh tác…
Trước thực trạng đất rừng bị lấn chiếm ngày càng phức tạp, Công ty Lâm sản Khánh Hòa kiến nghị các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phối hợp để tiến hành điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, không để tình trạng lấn chiếm đất rừng tiếp tục lan rộng ở nhiều địa phương khác.
Theo ông Trần Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa, ở các địa phương miền núi, nhu cầu về đất sản xuất đang tạo sức ép rất lớn đối với rừng. Trong khi đó, các chủ rừng vẫn rất khó khăn, lúng túng trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng đối với diện tích rừng được Nhà nước giao. Chi cục đã chỉ đạo các hạt Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với đơn vị chủ rừng để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng được giao; kiên quyết thu hồi các diện tích đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích.