Cộng dồn từ đầu năm cho đến thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc sốt xuất huyết ở tỉnh là gần 700 ca. Nguyên nhân là do thời tiết nóng ẩm nên dễ tạo môi trường cho muỗi gây bệnh sinh sôi. Nhiều gia đình làm vườn còn có thói quen dự trữ nước lâu ngày trong các chum, nhưng không súc rửa
Ước tính của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, riêng từ đầu tháng 6 đến nay có khoảng trên 400 ca mắc sốt xuất huyết, trong khi đó cả tháng 6/2021 chỉ ghi nhận 277 ca. Vậy nên, mỗi gia đình, người dân phải nâng cao ý thức, phối hợp chặt chẽ với các nhân viên y tế để triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết: Để đối phó với tình hình dịch sốt xuất huyết tăng mạnh như hiện nay, thì việc giám sát dịch, hướng dẫn phòng dịch được làm kỹ. Bảo đảm việc phun hóa chất thực hiện đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc-tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể.
Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, lồng ghép công tác chỉ đạo phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại nhiều địa bàn có nguy cơ. Tuy nhiên, các hộ gia đình, người dân cũng cần chủ động giữ vệ sinh, thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, vỏ dừa, lốp xe cũ để loăng quăng không có điều kiện sinh sôi.
Cùng với các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, các cơ sở khám, chữa bệnh ở Khánh Hòa cũng chuẩn bị tốt cho việc tiếp nhận, thu dung điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Việc điều trị hay chuyển tuyến phải được tiến hành nhanh chóng, hạn chế tối đa việc chuyển biến nặng đối với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.