Liên tục gia tăng ca nhiễm bệnh
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh hiện có 65/110 xã, phường, thị trấn xuất hiện ổ dịch SXH, với hơn 2.719 ca mắc và một trường hợp tử vong. Địa phương có số ca mắc nhiều nhất là huyện Tuy An, với 587 trường hợp (tăng 15,3% so với năm 2019). Toàn tỉnh có 57 ổ bệnh SXH (tăng 41 ổ bệnh so với năm 2019).
Bác sĩ Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc CDC Phú Yên cho biết: Do thời tiết mưa nắng xen kẽ tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển. Người dân địa phương còn ỷ lại vào cán bộ y tế và việc phun hóa chất trong phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, công tác giám sát ca bệnh trong cộng đồng còn chậm nên xử lý ổ bệnh rất khó khăn. Một số ổ bệnh phải xử lý 3 - 4 lần nhưng vẫn còn rải rác ca bệnh.
Còn tại Bình Định, theo CDC tỉnh, toàn tỉnh hiện có 2.572 trường hợp mắc SXH, 1 ca tử vong tại TP. Quy Nhơn. Thị xã Hoài Nhơn tiếp tục có số ca bệnh SXH cao nhất toàn tỉnh, với 461 ca mắc tại tất cả các xã, phường.
Trước tình hình thời tiết đang thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển và gia tăng mật độ, Giám đốc CDC Bùi Ngọc Lân yêu cầu, các địa phương triển khai hoạt động diệt bọ gậy, duy trì 1 tuần/lần tại khu vực đang có ổ dịch; 2 tuần/lần tại khu vực có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng an toàn; 1 tháng/lần tại khu vực còn lại. Đặc biệt, triển khai chiến dịch phun hóa chất chủ động chống dịch ngay tháng 7 này, chứ không đợi đến tháng 8 như kế hoạch ban đầu.
Người dân cần nâng cao ý thức
Để khống chế và kiểm soát dịch lây lan, ngành Y tế hai địa phương này đã đồng loạt ra quân phun hóa chất diệt muỗi và diệt bọ gậy. Tuy nhiên, theo CDC tỉnh Phú Yên, xử lý hóa chất chỉ là biện pháp chuyên môn tạm thời. Chỉ số bọ gậy trong cộng đồng còn cao, thì tình hình SXH sẽ không giảm. Nếu chính quyền địa phương không quyết liệt phòng, chống, dịch không giảm, mà có khả năng gia tăng trên quy mô toàn xã và các địa bàn lân cận.
Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH trên địa bàn tỉnh Phú Yên, ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này đã yêu cầu, ngành Y tế và các địa phương đặt nhiệm vụ phòng, chống SXH là ưu tiên để bảo đảm sức khỏe cho Nhân dân, tránh dịch bệnh lan trên diện rộng. Theo ông Phùng, vai trò của cộng đồng là yếu tố quyết định cho sự thành công trong công tác phòng, chống dịch.
“Vì vậy, cần có những cách thức tuyên truyền cụ thể; đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người, hướng dẫn cho người dân; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc phòng, chống dịch SXH; tăng cường công tác kiểm tra và có sự hỗ trợ mọi mặt, nhất là về chuyên môn trong phòng, chống dịch bệnh”, ông Phùng cho biết thêm.
Tại Bình Định, ngành Y tế tỉnh cũng đã triển khai công tác giám sát bệnh nhân SXH thường xuyên tại tất cả các bệnh viện và cộng đồng nhằm phát hiện sớm ca bệnh SXH. Theo ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế Bình Định khuyến cáo: SXH chưa có văc xin, thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng, chống chủ yếu từ cộng đồng. Phải xác định rõ là “không có bọ gậy thì không có SXH”. Quan trọng nhất là sự tham gia phòng, chống dịch bệnh của hệ thống chính trị, sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cũng như ý thức của người dân.