Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hà Nội: Quyết liệt phòng, chống dịch sốt xuất huyết

PV - 14:22, 29/07/2019

Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, tính đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 87 nghìn ca mắc sốt xuất huyết (SXH), so với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc tăng 3,1 lần (năm 2018 có 28 nghìn trường hợp). Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã có hơn 1.200 trường hợp mắc SXH và đang có xu hướng gia tăng (trong tuần từ 8/7-14/7 ghi nhận 205 trường hợp, tăng 27 trường hợp so với tuần trước đó).

Hà Nội triển khai nhiều biện pháp phòng chống SXH. Hà Nội triển khai nhiều biện pháp phòng chống SXH.

Những ngày vừa qua, do thời tiết mưa, nắng thay đổi thất thường đã tạo điều kiện thuận lợi cho vật trung gian truyền bệnh (muỗi, lăng quăng, bọ gậy…) phát triển. Tại Hà Nội, nơi mật độ dân số cao với hơn 10 triệu người, kéo theo các vấn đề về ăn ở, vệ sinh môi trường kém đã trở thành tác nhân cho dịch bệnh SXH phát triển. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại Hà Nội.

Anh Nguyễn Văn Tính (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thời gian qua, anh và gia đình vốn chỉ tập trung vào làm ăn, nên cũng không để ý đến những vấn đề xung quanh, như: vệ sinh môi trường, các loại dịch bệnh. Khi nghe tin dịch bệnh SXH có khả năng bùng phát, anh đã rất lo lắng.

“Khu vực nhà tôi sinh sống khá ẩm thấp, do ở vùng trũng nên mỗi lần mưa xuống thường ngập lụt, để lại những vũng nước tù đọng, khiến cho muỗi sinh sôi phát triển. Từ khi được cán bộ y tế phường tuyên truyền về cách phòng chống dịch bệnh SXH, tôi đã dọn dẹp vệ sinh quanh nhà, không để các vùng nước trũng đọng lại và thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống bệnh được tuyên truyền”, anh Tính cho biết.

Hiện nay, không ít người dân trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn đang thờ ơ với việc phòng, chống dịch bệnh. Như tại các khu nhà trọ, công trình đang xây dựng, ý thức tự giác phòng, chống dịch bệnh SXH của người dân chưa cao dẫn tới việc tạo môi trường thuận lợi cho vật trung gian phát triển dịch bệnh.

Theo kết quả giám sát vật trung gian truyền bệnh SXH của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, tại một số khu vực trọng điểm trên địa bàn Hà Nội như: Phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm); phường Trung Tự và phường Phương Liên (quận Đống Đa)… đã có sự gia tăng về chỉ số nguy cơ gây dịch bệnh thời gian gần đây. Số người bị mắc bệnh SXH ở những khu vực này thường chiếm cao so với những khu vực khác.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị duy trì công tác giám sát dịch bệnh. Thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng, chống SXH, chăm sóc và điều trị tích cực cho bệnh nhân mắc bệnh.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, ngay từ đầu năm 2019, ngành Y tế Hà Nội đã tổ chức ký cam kết phòng, chống SXH với UBND 30 quận, huyện. Chủ động giám sát bệnh nhân tại 63 bệnh viện, điều tra các ổ bọ gậy nguồn 2 lần/năm tại 10 xã, phường thuộc 10 quận, huyện trọng điểm về SXH. Giám sát trọng điểm muỗi truyền bệnh SXH hằng tháng tại một số xã, phường trọng điểm và tại khu vực có bệnh nhân.

Đến nay, toàn Thành phố đã tổ chức được hơn 850 lượt chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống SXH. Đã có hơn 2 triệu lượt hộ gia đình được kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn diệt bọ gậy; gần 4 triệu dụng cụ chứa nước trong các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học, công trường được kiểm tra... Theo đó, đã phát hiện được hơn 190 nghìn dụng cụ chứa nước có bọ gậy.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đưa ra khuyến cáo, đến thời điểm này, số mắc SXH đang có xu hướng tăng so với cùng kỳ 2018, đồng thời với nền nhiệt độ cao và mưa nhiều thì nguy cơ bệnh SXH bùng phát trong thời gian tới là rất lớn. Mỗi người dân cần chủ động và tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH, diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy trong gia đình mình để ngăn không cho dịch xuất hiện, bùng phát và lan rộng như những năm trước.

Để tránh biến chứng nguy hiểm do SXH gây ra, khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh phải nhanh chóng đến bệnh viện để được khám, điều trị. Gia đình có người mắc bệnh cần thông báo cho trạm y tế địa phương để có giải pháp khoanh vùng, xử lý không để bệnh lây lan trên diện rộng.

Người mắc bệnh SXH thường có biểu hiện sốt cao đột ngột 39 - 40oC, tình trạng sốt kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt. Bệnh nhân sẽ đối mặt với tình trạng đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban ngoài da. Ở thể bệnh nặng bệnh nhân sẽ bị chảy máu mũi, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ra máu, đi cầu phân đen do bị xuất huyết nội tạng, đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng…

HOÀNG QUÝ

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.