TP. Hồ Chí Minh liên tục ghi nhận những ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ở cả người lớn và trẻ em, bệnh tay chân miệng ở các bệnh viện có xu hướng tăng báo động. Do địa bàn dân cư đông đúc phức tạp, kênh rạch chằng chịt, nên các phường có số ca SXH tăng cao là Tân Thới Hiệp, Thạnh Xuân (quận 12); phường Phú Thạnh, Sơn Kỳ (quận Tân Phú); xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn).
Theo HCDC, ngành Y tế đã xử lý phun hóa chất, diệt lăng quăng tại các ổ dịch, nhiều điểm nguy cơ cao. Các chuyên gia dịch tễ dự báo cứ theo vòng lặp 4 - 5 năm thì bệnh SXH Dengue lại gây ra trận dịch lớn và đỉnh dịch có thể rơi vào khoảng tháng 6 - 7.
Cùng với TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương đang là địa phương có diễn biến dịch SXH rất phức tạp. Tại Bệnh viện Thuận An, mỗi ngày có khảng 40 bệnh nhân SXH nhập viện, đến nỗi bệnh viện không đủ giường nằm.
Hiện toàn Tp. Thuận An, nơi giáp ranh với TP. Hồ Chí Minh đã có hơn 560 ca mắc SXH, với 40 ổ dịch bùng phát. Ngoài ra, tại thị xã Tân Uyên và Tp. Dĩ An, dịch SXH cũng đang có diễn biến tăng mạnh. Bình Dương hiện đã có hơn 2.000 ca SXH.
Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh SXH nếu các địa phương không có biện pháp quyết liệt, khi số ca nặng hiện đã tăng gấp 3 lần so với năm trước. Bộ Y tế đề nghị sở Y tế các tỉnh, thành quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng trong cộng đồng.
Theo Bộ Y tế, triệu chứng của SXH dễ nhầm với sốt vi rút thông thường, khiến người bệnh chủ quan và bệnh dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
SXH thường trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên xuất hiện các triệu chứng rất khó phân biệt với các loại sốt vi rút thông thường, vì bệnh thường biểu hiện sốt cao, đột ngột 39 - 40 độ C trong 1 - 2 ngày đầu.
Giai đoạn 2, từ ngày thứ 3 - 7 sau khi bị sốt có thể xuất huyết dưới da (thường thấy ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi); nặng hơn có thể thấy chảy máu cam, chảy máu chân răng, thậm chí xuất huyết nội tạng…
Sau đó, bệnh chuyển sang giai đoạn 3 là giai đoạn hồi phục, người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường. Tuy vậy, những bệnh nhân nặng, từ giai đoạn này vẫn có thể xuất hiện biến chứng diễn tiến rất khó lường.
Bộ Y tế khuyến các các trường hợp SXH cần theo rõi, nhập viện sớm để điều trị kịp thời. Trường hợp người bệnh điều trị tại nhà phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không dùng thuốc Aspirin để hạ sốt.