Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa, về Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, mỗi năm tỉnh đã hỗ trợ cho hộ nghèo 12 triệu đồng và hộ cận nghèo 10 triệu đồng. Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn hỗ trợ lãi xuất để nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hộ.
Nhờ sự hỗ trợ này, đồng bào DTTS đã từng bước chủ động trong sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, cũng như biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương, phù hợp với trình trình độ canh tác; cũng như góp phần và hình thành tư tưởng sản xuất hàng hóa, đầu tư đúng hướng, cải thiện cuộc sống.
Ví như vùng miền núi Khánh Sơn, bà con xác định cây mía tím, nuôi bò sinh sản, các mô hình trồng xen cây ăn trái. Ở Khánh Vĩnh thì xác định mô hình trồng chuối, trồng bưởi, ở Cam Ranh xác định nuôi dê, nuôi heo đen...
Ghi nhận tại huyện Khánh Sơn, các mô hình trồng mía tím, chuối, quýt, nuôi bò sinh sản, nuôi heo đen, nuôi dúi, theo đánh giá huyện này đều đạt kết quả tốt, bà con đã thu nhập khá cao. Một số hộ tái sản xuất, tán đàn, góp phần cải thiện kinh tế, cũng như mở rộng sản xuất, chăn nuôi cho hộ gia đình.
Điển hình như các hộ Bo Bo Thị Mến (thôn Liên Bình, hộ Mấu Đình, thôn Xóm Cỏ), Cao Ngọc Sanh (thôn Cô Lắc xã Sơn Bình), Cao Đen (thôn Xà Bói xã Sơn Hiệp), Máu Đận (thôn Dốc Trần), Mấu Thị Tuyết (thôn A Thi xã Cụm Bắc)…
Bà Bo Bo Thị Mến chia sẻ, trước đây, gia đình có đất nhưng không biết trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp nên cứ nghèo mãi. Được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, gia đình bà cải tạo vườn trồng cây mía tím; đồng thời nuôi thêm gà, vịt và nuôi bò sinh sản. Hiện tại tất cả đều phát triển tốt, giúp gia đình bà có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Gia đình bà không những đã thoát nghèo, mà còn có tiền xây nhà mới khang trang và mua săm nhiều vật dụng khác.
Từ hiệu quả ban đầu, một số hộ đã bỏ thêm vốn đầu tư chuồng trại và chọn mua thêm bò cái tốt đang mang thai. Đối với cây chuối giúp bà con thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/năm.
Ông Đặng Văn Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: "Nhìn chung tất cả các hộ được hỗ trợ đã triển khai thực hiện tốt, hiệu quả và có sự chuyển biến rõ nét, đã có ý thức được Nhà nước và nhân dân cùng làm. Vì vậy có thể nói, việc triển khai các mô hình kinh tế và giúp đồng bào DTTS chọn cây, con phù hợp đã phát huy hiệu quả tốt. Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình trong thời gian tới".
Ngoài việc triển khai hiệu quả các mô hình, giúp người dân miền núi phát triển kinh tế, các địa phương còn phối hợp lồng ghép các nguồn lực, nhiệm vụ của chương trình này với các Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững, đã làm thay đổi diện mạo các địa phương miền núi.
Đến xã Sông Cầu hôm nay, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay mạnh mẽ tại xã đầu tiên của huyện Khánh Vĩnh đạt chuẩn Nông thôn mới. Nhiều mô hình chăn nuôi dê, bò, gà, heo góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; mô hình trồng rau sạch, rau công nghệ cao, rau an toàn theo hướng hàng hóa được triển khai có hiệu quả. Từ đó, đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 1,76%.
Cũng như Sông Cầu, các xã có đông đồng bào DTTS tập trung ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh ngày càng thay đổi tích cực. Có được điều đó là nhờ những năm qua, các cấp, ngành đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hành động với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng mức sống của đồng bào DTTS, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa, miền núi với thành thị.
Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác dân tộc của tỉnh. Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững và chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS. Trong đó, tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân.