Học nghề để áp dụng vào sản xuất
Theo lãnh đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Khánh Sơn, từ năm 2014 đến nay, toàn huyện đã mở 48 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng cho 1.224 LĐ trên địa bàn. Trong đó, có 37 lớp dạy nghề phi nông nghiệp và 11 lớp dạy nghề nông nghiệp. Hằng năm, cơ quan chuyên môn của huyện đều phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành rà soát, đánh giá và lập kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu học nghề tại địa phương.
Công tác dạy nghề cho đồng bào DTTS ở huyện Khánh Vĩnh cũng giúp người dân có thêm kiến thức, thay đổi mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gia đình ông Hà Mon ở thôn Đá Trắng, xã Cầu Bà (Khánh Vĩnh) là một trong những hộ nghèo của xã. Có hơn 1ha đất, gia đình ông trồng bắp, trồng mì nhưng vẫn không đủ ăn nên phải làm thuê, làm mướn để trang trải sinh hoạt gia đình. Nhờ chính quyền địa phương mở lớp dạy nghề nông nghiệp, ông đăng ký học và đã chuyển đổi mô hình sản xuất thành công.
“Sau khi học song, nắm vững kỹ thuật, mình mua giống để trồng 1ha bưởi da xanh. Hiện cây bưởi phát triển rất tốt, mình tin cây bưởi da xanh sẽ giúp mình thoát nghèo”, ông Hà Mon tự tin nói.
Ở thị xã Ninh Hòa, việc hỗ trợ ĐTN cho LĐ nông thôn được thực hiện với hàng trăm LĐ DTTS. Hoạt động này gắn với vùng chuyên canh, với doanh nghiệp nên số LĐ có việc làm ổn định sau khi học nghề chiếm 90%. Trong đó, xã Ninh Tây là địa phương tích cực trong việc triển khai công tác này với sự vào cuộc của Ban Chấp hành Đoàn xã. Cụ thể, Ban Chấp hành Đoàn xã đã nắm bắt thông tin, tuyên truyền về vấn đề dạy nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn thị xã đến lực lượng đoàn viên, thanh niên người DTTS.
Qua đó, đã xuất hiện những hộ đồng bào DTTS có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình như anh Mang Xuân Luông, thôn Buôn Đung, xã Ninh Tây với mô hình trồng nấm cho thu nhập 150 triệu đồng/năm.
Phấn đấu 70% lao động DTTS được dạy nghề
Thực hiện công tác ĐTN và giải quyết việc làm vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Khánh Hòa đã hỗ trợ ĐTN cho 2.905 LĐ là người DTTS. Cuối năm 2015, tỷ lệ LĐ người DTTS qua ĐTN mới chiếm 35%, thì đến nay đã đạt 45,6%, trong đó LĐ được đào tạo từ trung cấp trở lên đạt 27,2%. Trong hoạt động ĐTN đã nổi lên một số mô hình đào tạo gắn với giải quyết việc làm đạt kết quả, như: ĐTN nông nghiệp; mô hình liên kết với một số công ty may ở TP. Hồ Chí Minh đào tạo, sử dụng LĐ là người DTTS; đào tạo, sử dụng công nhân làm việc trong các nhà máy sản xuất, chế biến gỗ ở các huyện miền núi...
Tuy nhiên, công tác ĐTN cho đồng bào DTTS vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc hỗ trợ dạy nghề phi nông nghiệp cho đồng bào còn gặp nhiều trở ngại do người dân quen với LĐ nông nghiệp. Ngay cả việc dạy nghề nông nghiệp đôi khi cũng khó khăn do vẫn còn tình trạng thiếu đất sản xuất ở một số hộ.
Theo ông Đặng Văn Tuấn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, mục tiêu đến năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có hơn 70% LĐ người DTTS được ĐTN, trong đó có hơn 90% LĐ sau ĐTN có việc làm với thu nhập ổn định.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh sẽ hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo sinh kế, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng DTTS và miền núi; tiếp tục thu hút, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vùng DTTS và miền núi gắn với ĐTN, giải quyết việc làm cho LĐ là người DTTS.